Câu trả lời thiếu chính xác của thí sinh Trần Như Phương tại vòng Chung kết cuộc thi Đại sứ du lịch Quảng Trị năm 2021 gây xôn xao cộng đồng mạng.
Trải qua các phần thi trình diễn áo dài, trình diễn trang phục dạ hội và phần thi thuyết trình, thí sinh Trần Như Phương có số báo danh 026 đã lọt vào top 5 cô gái xuất sắc nhất để đến với phần thi ứng xử.
Thí sinh Trần Như Phương tại Chung kết cuộc thi Đại sứ du lịch Quảng Trị năm 2021 diễn ra tối ngày 2/5 vừa qua |
Cụ thể, câu hỏi dành cho thí sinh Trần Như Phương ở phần thi ứng xử như sau: “Trong quá trình tham gia hoạt động tham quan, tìm hiểu về các điểm di tích, danh thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải mang trong mình nỗi đau chia cắt đất nước thành 2 miền Nam – Bắc suốt hơn 20 năm ròng rã. Bạn hãy giới thiệu và quảng bá điểm đến này”.
Với thời gian 2 phút, thí sinh Trần Như Phương đưa ra câu trả lời như sau:
“Di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải không chỉ là một di tích chia cắt 2 miền Bắc – Nam, là nơi vĩ tuyến 18, mà còn là nơi các thế hệ anh hùng ngã xuống để đất nước có thể đứng lên. Khi đến địa điểm này, em cảm thấy mình cần phải đóng góp nhiều hơn nữa để có những quảng bá về di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải đến với mọi người nhiều hơn”.
browser not support iframe.
Sau khi xem phần trả lời của thí sinh này, nhiều người phải thốt lên: “Vậy mà cũng là người dân Quảng Trị”,…
Chia sẻ với VietNamNet, thầy Trần Trung Hiếu (giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) cho hay rất bất ngờ với phần trả lời của thí sinh tham dự cuộc thi tìm ra đại sứ du lịch của Quảng Trị.
Thí sinh Trần Như Phương tại phần thi ứng xử của mình. |
Theo thầy Hiếu, Vĩ tuyến 17 gắn với sông Bến Hải, cầu Hiền Lương được nói đến trong chương trình Sách giáo khoa Lịch sử lớp 9 và Lịch sử lớp 12.
“Một học sinh tốt nghiệp bậc THCS cũng biết đến địa danh này trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 9. Lên bậc THPT, lần thứ 2, các học sinh được học lại kiến thức này trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12. Như vậy có thể nói đây là một kiến thức phổ thông rất cơ bản”, thầy Hiếu phân tích.
Chưa kể, theo thầy Hiếu, cũng đã từng có 1 bộ phim rất nổi tiếng là “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Về âm nhạc cũng có bài hát nổi tiếng “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của cố nhạc sỹ Hoàng Hiệp.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng có thể thí sinh đã quá căng thẳng trong đêm chung kết nên mới có sự nhầm lẫn.
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết (1954), lập lại hòa bình ở Đông Dương, Việt Nam bị chia cắt bởi giới tuyến tạm thời ở vĩ tuyến 17, tại cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Dù chỉ cách nhau một khoảng cách rất ngắn, một con sông chỉ rộng khoảng 100m, nhưng có biết bao gia đình phải sống cảnh biệt ly mà không có cơ hội được đoàn tụ. Đó không chỉ là sự chia cắt với người dân Vĩnh Linh, Quảng Trị, mà còn là nỗi đau chia cắt của đất nước. Cột cờ Hiền Lương được xây dựng ở bờ Bắc sông Bến Hải nhằm xây dựng một biểu tượng về ý chí và tinh thần bất khuất của cả dân tộc hướng tới thống nhất liền một dải hai miền. Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải diễn ra những cuộc đấu trí “cân não” giữa hai bên. Trong đó, có những cuộc “đấu cờ” kéo dài suốt 1.440 ngày đêm. Từ tháng 2/1965, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại Vĩnh Linh với quy mô và cường độ ngày càng dữ dội, cột cờ Hiền Lương trở thành một trong những mục tiêu đánh phá ác liệt nhất. Cuộc chiến đấu bảo vệ, giữ vững ngọn cờ giới tuyến của quân dân Vĩnh Linh diễn ra hết sức quyết liệt. Từ ngày 19/5/1956 – 28/10/1967, các chiến sĩ công an giới tuyến đã treo 267 lá cờ các cỡ. Từ năm 1967 trở đi, công an Hiền Lương thêm 11 lần dựng cờ bằng cột gỗ cao 12-18m với 42 lần thay lá cờ. Trong cuộc chiến bảo vệ cờ ấy, 2 chiến sĩ công an và 11 dân quân Hiền Lương đã hy sinh. Đọc bài viết mới nhất của PV VietNamNet về Cuộc ‘chọi cờ’ hai bờ giới tuyến Hiền Lương TẠI ĐÂY |
Quý Hải
Viện trưởng ngôn ngữ ‘nóng mặt’ vì sinh viên, người đẹp phát ngôn thô tục
Không ít người trẻ sau 1 đêm nổi tiếng bị lục lại quá khứ đã từng nói tục, chửi bậy. Tuy nhiên, giữa các nghiêm khắc phê phán thì dòng ý kiến cho rằng “đây là việc bình thường”, “ai mà chẳng có lúc”… dường như đang nhiều dần lên.