Anh làm việc tại FPT Software ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học FPT. Với kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ tốt, nam kỹ sư luôn là thành viên chủ chốt trong những dự án quan trọng của đơn vị.
“Tuy nhiên, tôi luôn muốn tìm cách bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân”, anh chia sẻ.
Trịnh Quốc Huy làm việc tại FPT Software, phụ trách thị trường Đức và một số nước châu Âu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Do đó, năm 2019, Quốc Huy đảm nhiệm vị trí Quản lý khách hàng toàn cầu (Global Account Manager) tại thị trường châu Âu. Anh lên đường sang văn phòng ở Đức với ngổn ngang suy nghĩ làm thế nào để mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng, tăng doanh số hay đơn giản là hòa nhập với cuộc sống ở nước ngoài.
Từ vị trí chỉ chuyên tâm ngồi một chỗ lập trình sản phẩm, anh trở thành “người đi nhiều nhất chi nhánh, qua hai ba chục quốc gia”, thường xuyên giao thiệp với những người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ tầm thế giới. Kỹ sư sinh năm 1988 kể lại, việc thay đổi môi trường sống, công việc gần như 100% sau 10 năm ổn định buộc anh phải nỗ lực gấp đôi giai đoạn trước đó.
“Nhiều khi, tôi phải nhớ lại trường đại học đã dạy mình cách thích ứng như thế nào, dùng kiến thức làm công cụ để phát triển bản thân ra sao”, anh nói thêm.
Quốc Huy chia sẻ, niềm tự hào lớn nhất của anh khi làm việc ở Đức là những dòng code do kỹ sư Việt lập trình đã chạy trong sản phẩm công nghệ tầm cỡ thế giới. Anh tham gia vào quá trình đưa các lập trình viên giỏi nhất của FPT tham gia vào đội ngũ lập trình hệ thống đèn trên xe Audi e-Tron. Đây là dòng xe thuộc hàng “siêu phẩm”. Hệ thống đèn ứng dụng rất nhiều công nghệ phức tạp nhằm tối ưu khả năng chiếu sáng an toàn trong mọi tình huống thực tế.
Anh Huy cùng nhóm làm việc của mình tại chi nhánh châu Âu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thời gian đầu, nhiều đối tác chưa tin tưởng vào kỹ thuật do người Việt phát triển. Song song, các lập trình viên Việt Nam cũng còn sự tự ti khi bước ra thị trường quốc tế. Do đó, anh Huy phải đấu tranh tư tưởng với chính mình và nhóm; trao đổi, thuyết phục để khách hàng thấy hiệu quả thực tế.
“Khoảnh khắc dòng code ‘made by Vietnam’ được đưa vào sản phẩm tầm cỡ thế giới. Tôi nghĩ hoài bão của mình đã thành hiện thực và có cả niềm tự hào dân tộc trong đó nữa”, anh nhớ lại.
Tiếp nối thành công, trong hai năm gần đây, Quốc Huy đưa doanh thu đơn vị tăng gấp đôi, thành công hợp tác với nhiều doanh nghiệp công nghiệp, công nghệ lớn, mở rộng địa bàn hiện diện chi nhánh ra toàn châu Âu. Hiện, anh là Giám đốc khu vực vùng Bavaria và nam nước Đức.
Quốc Huy (thứ hai từ phải sang) cùng lãnh đạo, đồng nghiệp tại châu Âu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo anh, thành công hiện tại phần nào có sự giúp ích của quá trình học tập tại Trường Đại học FPT. Là sinh viên khóa đầu tiên của trường, Quốc Huy học chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm theo đúng nguyện vọng thời THPT.
Giáo trình tại đây hoàn toàn bằng tiếng Anh. Thầy cô cũng chia sẻ rất nhiều kiến thức thực tế, gắn đào tạo với doanh nghiệp. Do đó, khi ra trường, anh không gặp nhiều bỡ ngỡ với công việc trong doanh nghiệp.
Nam giám đốc cũng như nhiều đồng môn khác cần học tiếng Anh, tiếng Nhật và cả Vovinam, nhạc cụ truyền thống. Với anh, làm chủ một công nghệ mới hay khẳng định bản thân trong môi trường công nghệ toàn cầu là một việc khó, đòi hỏi cá nhân phải có cách học khác, làm khác. “Môi trường ở Trường Đại học FPT khiến tôi nhận ra, để thành công không chỉ cần giỏi kiến thức chuyên môn mà còn cần trang bị nhiều kỹ năng khác”, anh nói.
Trong đó, Quốc Huy tâm đắc nhất với mô hình đào tạo gắn với thực tế doanh nghiệp từ sớm và có nhiều trải nghiệm.
“Khi đó, tôi thấy hơi buồn cười, sinh viên lập trình biết chơi đàn bầu, đàn nguyệt… để làm gì. Nhưng sau khi sang Đức làm việc, tôi thấy những ông chủ các công ty lớn nhất đều hay thạo chơi một môn thể thao, loại nhạc cụ nào đó”, anh chia sẻ.
Việc có hiểu biểu về âm nhạc truyền thống khiến Huy trở nên ấn tượng hơn trong những cuộc giao thiệp kinh doanh.
Quốc Huy (ngoài cùng bên trái, hàng đầu) muốn xây dựng đội ngũ FPT làm việc tại các thị trường quốc tế lớn mạnh hơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hiện, Giám đốc đơn vị phần mềm ở châu Âu tiếp tục hành trình chinh phục những dự án mới. Anh mong có thể đón nhiều lập trình viên trẻ xuất sắc về đội của mình, cùng nhau thực hiện mục tiêu đưa nhiều “chất xám” Việt Nam vào sản phẩm của thế giới hơn.
Ngọc Trâm
Năm 2023 Trường Đại học FPT tuyển sinh các ngành: Quản trị kinh doanh (Digital Marketing; Kinh doanh quốc tế; Quản trị khách sạn; Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành; Quản trị truyền thông đa phương tiện; Tài chính); CNTT (Kỹ thuật phần mềm; Hệ thống thông tin; Trí tuệ nhân tạo; An toàn thông tin; Thiết kế Mỹ thuật số), Ngôn ngữ Anh (Ngôn ngữ Anh – Anh, Ngôn ngữ Anh – Trung), Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc.Thí sinh đã tốt nghiệp THPT và đạt Top50 THPT toàn quốc năm 2023 bằng điểm học bạ hoặc kết quả thi THPT năm 2023 có cơ hội trúng tuyển vào Trường Đại học FPT.
Chứng nhận Top50 xem tại đây
Nguồn: Báo VnExpress
Link bài gốc: xem tại đây