Gia sư Hạnh Phúc – Tương lai của bạn – Hạnh phúc của chúng tôi

Khai mạc cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ – Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi cho biết: Thực hiện nghị quyết của Đảng, Quốc hội, giáo dục phổ thông Việt nam đã có nhiều đổi mới cả về mục tiêu, nội dung, phương thức giảng dạy và kiểm tra đánh giá, thu được những kết quả tích cực. Điều này thể hiện rõ qua chất lượng giáo dục từ đại trà đến mũi nhọn đều nâng lên; học sinh Việt Nam liên tục đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế …

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc cuộc thi

Để thiết thực đổi mới cách dạy và học theo định hướng phát triển phẩm chất -năng lực học sinh,  khuyến khích các em nghiên cứu khoa học vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống, từ năm học 2011-2012 Bộ GDĐT đã triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức thường niên cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. Cuộc thi đã thu hút hàng ngàn học sinh của các tỉnh/thành phố tham gia tranh tài ở các cấp.

Liên tục 8 năm qua, từ năm 2012 đến nay, đoàn học sinh Việt Nam dự thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc tế đều đạt giải; như năm 2012 có 01 giải Nhất; năm 2014 đoạt 02 giải Tư, 01 giải đặc biệt; năm 2017 có 01 giải Ba, 04 giải Tư, 04 dự án đoạt giải đặc biệt; năm 2018 và năm 2019 đều có dự án đạt giải Ba. Năm 2020 vì dịch Covid-19 học sinh Việt Nam không tham gia được. Khi tham dự các cuộc thi, triển lãm sáng tạo khoa học của khu vực và quốc tế, học sinh Việt Nam cũng đạt nhiều giải, huy chương. Những kết quả này đã khẳng định vị thế và khả năng nghiên cứu khoa học kĩ thuật của học sinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học được tổ chức với mục đích khuyến khích các em nghiên cứu khoa học kĩ thuật và vận dụng kiến thức của môn học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống. Đây cũng là hoạt động góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực – phẩm chất của học sinh; thực hiện giáo dục tích hợp khoa học – công nghệ – kĩ thuật – toán. Cuộc thi khuyến khích sự tham gia hỗ trợ của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp… đối với hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật của học sinh phổ thông.

“Tham gia thi Khoa học kỹ thuật là một cách chuẩn bị cho học sinh tác phong khoa học, năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp sau khi học xong cấp trung học; góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy và học trong cơ sở giáo dục trung học, chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tham quan các gian trưng bày và trò chuyện với học sinh

Để cuộc thi đạt mục tiêu và đúng yêu cầu, lãnh đạo Bộ GDĐT đề nghị ban tổ chức có kế hoạch hoạt động chi tiết, điều hành cuộc thi nghiêm túc khoa học, đúng quy chế; Ban giám khảo làm việc với tinh thần trách nhiệm – công tâm – khách quan, đánh giá đề tài/dự án trung thực, chính xác và lựa chọn ra những đề tài xứng đáng để trao giải.

Báo cáo tổng quan về cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020 -2021, TS Sái Công Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – Phó trưởng Ban chỉ đạo cho biết, vượt qua vòng thi các cấp trường -quận/huyện -tỉnh/thành phố, đã có 141 dự án ở 20 lĩnh vực được lựa chọn tham gia cấp quốc gia. Trong đó, 113 dự án của học sinh cấp THPT, 28 dự án của các em đang học lớp 8, 9 cấp THCS.

Tham gia triển lãm và thi trực tiếp tại Huế có 139 dự án. 02 dự án của học sinh tỉnh Hải Dương dự thi trực tuyến tại địa phương với sự tham gia tổ chức và giám sát của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Toàn bộ quy trình chấm thi trực tuyến được thực hiện tương tự như trực tiếp. Ban giám khảo cuộc thi là các nhà khoa học, giảng viên đến từ các cơ sở giáo dục đại học ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, thuộc đầy đủ các lĩnh vực mà cuộc thi đề ra.

“Từ các dự án đạt giải Nhất ở các lĩnh vực, ban giám khảo sẽ chọn ra 7 dự án xuất sắc nhất đại diện cho Việt Nam dự thi Khoa học kỹ thuật quốc tế. Do dịch Covid-19 nên học sinh báo cáo ở Việt Nam và chấm thi trực tuyến tại Mỹ”, TS Sái Công Hồng nói.

Intel ISEF là hội thi khoa học và kĩ thuật quốc tế hàng năm lớn nhất dành cho học sinh trung học (từ lớp 8 đến lớp 12). Mỗi năm có khoảng hơn 1.500 học sinh trung học từ trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia giới thiệu kết quả ở 22 lĩnh vực nghiên cứu khoa học, gồm: Khoa học động vật Khoa học Thực vật, Vi sinh, Khoa học xã hội và hành vi, Hóa Sinh, Y học chuyển dịch, Sinh học tế bào và phân tử, Y sinh và khoa học Sức khỏe, Kĩ thuật Y sinh, Hóa học, Sinh học trên máy tính và Sinh -Tin, Khoa học Trái đất và Môi trường, Hệ thống nhúng, Năng lượng: Hóa học, Năng lượng: Vật lí, Kĩ thuật cơ khí, Kĩ thuật môi trường, Khoa học vật liệu, Toán học, Vật lí và Thiên văn, Rô bốt và máy thông minh, Phần mềm hệ thống.

Hội thi là cơ hội kết nối các nhà khoa học trẻ tương lai trên toàn cầu và được tiếp cận với các nhà khoa học đã đoạt giải thưởng Nobel. Các thí sinh cũng được giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm từ các đề tài nghiên cứu với, kết nối với các học sinh cùng lứa tuổi trên khắp năm châu một cách sâu hơn, rộng hơn trong tương lai.

Để tham gia Intel ISEF, các thí sinh phải tham gia và được lựa chọn từ các Hội thi khoa học ở các quốc gia. Các Hội thi quốc gia này phải tuân thủ các quy định cơ bản của Intel ISEF.

 

Nguồn Bộ Giáo Dục và Đào Tạo

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận