Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo lần 2 của Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học công lập.
Dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm, các trường cao đẳng công lập có nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng (gọi chung là trường cao đẳng sư phạm) và cơ sở giáo dục đại học công lập.
Giảng viên Trường ĐH Y – Dược (ĐH Thái Nguyên) trong một giờ hướng dẫn sinh viên. Ảnh: Thanh Hùng |
Cụ thể, dự thảo quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) – mã số V.07.08.21 và tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I).
Đồng thời quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, bao gồm: Tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) và tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I).
Xét thăng hạng chức danh giảng viên chính
Theo đó, viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau: Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng; được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II); có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức; đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III), mã số V.07.01.03; có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02 và được thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập xác nhận; đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II).
Xét thăng hạng giảng viên cao cấp
Theo dự thảo, viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau: Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng; Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I); Có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt, không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức; Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02; có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01 và được thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập xác nhận; Đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) theo quy định.
Xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng
Việc xét thăng hạng được thực hiện qua 2 bước.
Bước 1: Xét hồ sơ và thẩm định việc đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng theo quy định.
Bước 2: Thẩm định, quy đổi điểm công trình khoa học đối với viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi đã bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng theo quy định.
Công trình khoa học quy đổi gồm bài báo khoa học; kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế trong nước hoặc quốc tế; sách phục vụ đào tạo đã được hội đồng khoa học (do cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập) thẩm định, nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong đào tạo, bồi dưỡng…
Người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số: V.07.01.02 là viên chức được Hội đồng xét thăng hạng xác định đạt điều kiện theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này, đồng thời có điểm công trình khoa học quy đổi đạt tối thiểu 05 (năm) điểm và lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp được giao.
Người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số: V.07.01.01 là viên chức được Hội đồng xét thăng hạng xác định đạt điều kiện theo quy định, đồng thời có điểm công trình khoa học quy đổi đạt tối thiểu 10 (mười) điểm và lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp được giao.
Quý độc giả xem đầy đủ dự thảo Thông tư này TẠI ĐÂY.
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân cho dự thảo này đến hết ngày 13/7/2021.
Thanh Hùng
Thứ trưởng Nội vụ chỉ lý do giáo viên khổ với chứng chỉ thăng hạng
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, những phản ánh liên quan đến chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có giáo viên hiện nay có vấn đề là do thiếu quy định chuyển tiếp.
Sau những đề án nghìn tỷ, Đề án 89 cử giảng viên học tiến sĩ có gì mới?
Trước Đề án 89, trong vòng 20 năm trở lại đây, Bộ GD-ĐT từng chủ trì thực hiện 2 đề án đào tạo nhân lực trình độ tiến sĩ và thạc sĩ có kinh phí nhiều nghìn tỉ đồng.