Gia sư Hạnh Phúc – Tương lai của bạn – Hạnh phúc của chúng tôi

Chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT: Tiếp tục rà soát, chủ động dự phòng

 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì tại điểm cầu Bộ GDĐT

Hoàn tất chuẩn bị, chủ động dự phòng

Theo báo cáo, hầu hết các địa phương cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, xây dựng các kịch bản, từ cơ sở vật chất, nhân sự đến an ninh, an toàn, phòng chống dịch bệnh,.., đảm bảo sẵn sàng cho kỳ thi an toàn, nghiêm túc.

Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Kon Tum, bà Đinh Thị Lan cho biết, toàn tỉnh có hơn 4.600 thí sinh, dự thi ở 12 điểm thi với 209 phòng thi. Địa phương bố trí 20 phòng chờ, 33 phòng thi dự phòng; đồng thời, lựa chọn bố trí 12 điểm thi dự phòng tương ứng với điểm thi chính thức, sẵn sàng kích hoạt khi phải tổ chức thi trong điều kiện dịch bệnh bùng phát.

Tỉnh cũng đã xây dựng phương án đề phòng mất điện, mưa bão, sạt lở đất… 100% điểm thi sẽ có lực lượng thanh niên tình nguyện, sẵn hỗ trợ thí sinh khi cần thiết. Phía công ty điện lực đã có thông báo, từ ngày 6 – 9/7/2021 sẽ dừng tất cả các công tác trên lưới điện ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện tại các địa điểm phục vụ kỳ thi. Ngoài ra, đơn vị này bố trí phát điện dự phòng khi có sự cố mất điện; trong đó ưu tiên khu vực in sao đề thi, làm phách và chấm thi.

“Có thể nói, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã cơ bản hoàn tất, tất cả đã sẵn sàng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, chất lượng và thành công”, bà Đinh Thị Lan khẳng định.

Đại diện Sở GDĐT tỉnh Đắc Nông cho hay, cùng với công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, tỉnh còn chú trọng duy trì tốt công tác quan tâm, hỗ trợ thí sinh, với quyết tâm, không để trường hợp nào phải bỏ thi vì điều kiện kinh tế hay đi lại khó khăn. Theo đó, mỗi thí sinh được hỗ trợ 330 nghìn đồng trong 3 ngày thi. Đồng thời, các em được bố trí chỗ ăn, nghỉ và phương tiện đi lại để yên tâm tham gia kỳ thi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng lưu ý công tác giám sát thí sinh, đặc biệt thí sinh tự do chặt chẽ, đảm bảo các em không ra ngoài tỉnh.

Đại diện lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Long An khẳng định, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi đã diễn ra theo kịch bản, đảm bảo tiến độ và đúng Quy chế. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hầu hết các nhà hàng, khách sạn đóng cửa. Sở tham mưu với tỉnh, bố trí chỗ ăn, nghỉ và xe đưa đón cán bộ coi thi. Tỉnh đã chỉ đạo, các huyện, thị xã, thành phố sắp xếp nơi ăn, chỗ nghỉ cho cán bộ coi thi, đảm bảo an toàn, giúp cán bộ coi thi yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Thông tin về số thí sinh, điểm thi, phòng thi, cán bộ và giáo viên tham gia làm thi, Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi quận, huyện sẽ bố trí từ 1 đến 3 điểm thi dự phòng. Mỗi điểm thi có 2 phòng thi dự phòng.

Tập trung vào nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo an toàn thi trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục tổ chức sàng lọc, cung cấp và cập nhật danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi và thí sinh thuộc các diện F0, F1, F2. Toàn bộ cán bộ, giáo viên làm công tác thi và thí sinh được xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Sở cũng đã xây dựng nhiều kịch bản và sẵn sàng chờ quyết định chính thức của thành phố.

Những trao đổi, đề xuất tại buổi làm việc xoay quanh việc đảm bảo công bằng và quyền lợi của thí sinh các đợt thi tốt nghiệp THPT, liệu các tỉnh có số thí sinh dự thi đợt 2 ít có thể phối hợp tổ chức không, xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thi,…

Tiếp tục rà soát, tập huấn kỹ lưỡng

Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện Thanh tra Bộ nhấn mạnh một số điểm mới trong công tác thanh tra, trong đó lưu ý các địa phương cần kiểm tra kỹ vị trí các phòng, thiết bị lưu trữ, camera, đảm bảo an toàn tối đa. Đồng thời, phải đảm bảo có đủ phòng chờ và phòng thi dự phòng ở điểm thi, phục vụ các tình huống phát sinh liên quan đến dịch bệnh, đình chỉ thi,… Mọi cán bộ tham gia làm thi đều phải có biển hiệu ghi rõ tên và nhiệm vụ được giao. Việc phát hiện và xử lý sai phạm đều có trình tự trong hướng dẫn, các địa phương cần nghiên cứu kỹ để hoàn thiện các kịch bản dự phòng.

Đại diện Cục Quản lý chất lượng cho hay, ứng xử với các tình huống phát sinh như thí sinh ốm đột xuất hay xác định các trường hợp F0, F1, F2, F3,… cơ bản đã có trong Quy chế thi và các văn bản chỉ đạo của Bộ. Tất nhiên, có những tình huống có thể nằm ngoài hướng dẫn, do đó, Cục hướng dẫn những nguyên tắc ứng xử chung bao gồm: Đảm bảo an toàn; Ban chỉ đạo cấp tỉnh quyết định thí sinh có được hay không được dự thi tiếp tùy tình trạng cụ thể của thí sinh đó; Thí sinh đang tham gia dự thi mà có sự cố hay ốm đột xuất đã được nêu trong Điều 37 của Quy chế thi; Đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh.

Kết luận buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ghi nhận công tác chuẩn bị chu đáo của các địa phương, đến thời điểm này đã sẵn sàng cho kỳ thi. Thứ trưởng đề nghị, các địa phương tiếp tục rà soát các công việc còn lại, bám sát Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ, bám sát thực tiễn nhằm đảm bảo mục tiêu kép. Các Ban chỉ đạo thi của tất cả các địa phương cần xây dựng phương án dự phòng, kịch bản chi tiết, nhằm ứng phó kịp thời trước những tình huống đột xuất, bất ngờ.

Thứ trưởng lưu ý, các tỉnh, thành phố tính toán kỹ và có thể tăng số điểm thi dự phòng, phòng thi dự phòng, phòng chờ và phòng cách ly. Tại các điểm thi cần bố trí nhân viên y tế và thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế. Hoan nghênh nhiều địa phương đã tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi, Thứ trưởng gợi ý: một số địa phương đã xuất hiện dịch Covid-19 nên mở rộng đối tượng xét nghiệm đến tất cả thí sinh.

Song song với các nhiệm vụ trên, Thứ trưởng đề nghị cần lưu ý đến chất lượng trong công tác tập huấn, quán triệt đến cán bộ coi thi nắm rõ Quy chế, hạn chế tối đa những sơ suất không đáng có.  Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đưa đón, bố trí ăn nghỉ cho cán bộ, giáo viên làm thi cũng như các thiết bị lưu trữ tại điểm thi, phòng thi cần được chuẩn bị chu đáo và rà soát kỹ,

Công tác thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện nghiêm túc, khách quan. Đặc biệt, công tác in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi và khu vực chứa đề thi, bài thi phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Cũng theo Thứ trưởng, các địa phương cần có một đầu mối phát ngôn thống nhất để nhanh chóng, kịp thời thông tin cho truyền thông, tránh những thông tin thất thiệt, sai lệch.

Liên quan đến tuyển sinh, Thứ trưởng cho biết, các cơ sở giáo dục đại học thực quyền tự chủ về tuyển sinh nên đều áp dụng nhiều phương thức xét tuyển.Với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ sẽ có hướng dẫn phù hợp, tinh thần là đảm bảo công bằng về quyền lợi cho thí sinh.

Nguồn Bộ Giáo Dục và Đào Tạo

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận