Trước nhiều ý kiến cho rằng Trường ĐH Bách khoa đặt ngưỡng yêu cầu xét tuyển tài năng từ 1520/1600 điểm SAT với một số ngành là quá cao, ngang mức trúng tuyển vào Harvard, MIT, đại diện nhà trường cho rằng, cách nhìn nhận như vậy là chưa đúng.
Mới đây, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố mức điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng, bao gồm xét chứng chỉ quốc tế và xét theo hồ sơ năng lực kết hợp với phỏng vấn.
Với xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế, ngưỡng yêu cầu SAT thí sinh cần đạt được phải từ 1520 trở lên, đồng thời SAT Toán phải đạt 770/800 mới có thể trúng tuyển vào ngành Khoa học máy tính (IT1) và Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo chương trình tiên tiến (IT-E10).
Nhiều ý kiến cho rằng, “đây là mức điểm khá cao, tương đương với mức điểm trúng tuyển vào các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, MIT”, hay “tuyển sinh vào Bách khoa còn khó hơn cả đại học Mỹ”.
Theo xếp hạng của US News, mức điểm SAT thí sinh cần đạt để trúng tuyển vào ĐH Harvard là 1460-1570, vào MIT khoảng 1510-1570, vào ĐH Yale từ 1460-1570, vào ĐH Princeton từ 1460-1570 hay vào ĐH Stanford là 1440-1570.
Ngưỡng yêu cầu từng ngành đối với phương thức xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế.
Trước những băn khoăn này, PGS.TS Trần Trung Kiên – Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lý giải, nếu nói tuyển sinh vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khó như các trường top đầu của Mỹ cũng không đúng, vì hình thức tuyển sinh của các trường khác nhau.
Các trường của Mỹ hầu hết chỉ tuyển sinh thông qua hồ sơ, trong khi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh theo nhiều phương thức khác nhau.
Trong đó, phương thức xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế chiếm tỷ lệ phần trăm rất nhỏ, khoảng 5%, bao gồm các chứng chỉ như SAT, A-Level, ACT và IELTS.
“Số lượng trúng tuyển theo điểm SAT của hai ngành Khoa học máy tính và Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo chương trình tiên tiến chỉ khoảng từ 5 – 15 em. Trường xét điểm từ trên xuống dưới, nên điểm trúng tuyển vào những ngành này cao là điều dễ hiểu”.
Mặt khác, theo ông Kiên, đây cũng là những ngành hot, có đông thí sinh đăng ký vào. Vì biết những ngành này có tỉ lệ cạnh tranh cao, yêu cầu điểm SAT từ 1460 trở lên, nên chỉ những em đạt điểm số xuất sắc mới dám nộp hồ sơ vào.
“Do đó, nói tuyển sinh vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khó như vào các trường top đầu của Mỹ là sự so sánh khập khiễng”, ông Kiên cho hay.
Những năm gần đây, mặc dù Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã mở ra nhiều phương thức xét tuyển khác nhau nhằm tăng cơ hội đỗ cho thí sinh, nhưng tính cạnh tranh vào trường này vẫn không hề giảm.
Ở hầu hết các phương thức xét tuyển, các ngành như Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo vẫn luôn lấy điểm chuẩn ở mức cao chót vót và cao nhất nhì trong các ngành tuyển sinh của trường.
Thúy Nga
ĐH Bách khoa Hà Nội công bố điểm chuẩn phương thức xét tuyển tài năng
Ngày 8/6, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội công bố mức điểm trúng tuyển đối với các thí sinh đăng ký theo phương thức xét tuyển tài năng trong năm 2021.
5 điều cần lưu ý khi dự thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội
Kết quả bài kiểm tra tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ được nhập lên hệ thống dữ liệu điểm thi của Bộ GD-ĐT và được xét tuyển chung một đợt với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.