Nguyễn Thị Nhài (sinh năm 1998, cựu học sinh THPT Ân Thi, Hưng Yên) là nữ sinh duy nhất tốt nghiệp xuất sắc với số điểm tích lũy 3.6/4.0 chương trình đào tạo kỹ sư hệ 4,5 năm của Trường Đại học Xây dựng năm 2021.
browser not support iframe.
Thủ khoa từng trượt môn
“Đến giờ em vẫn cảm thấy rất vui, có chút bất ngờ khi nhận được tấm bằng kỹ sư xuất sắc. Em cũng không nổi trội, xuất phát điểm bình thường từ trường THPT huyện với điểm đầu vào không cao. Vì thế, trong suốt hơn 4 năm qua em vẫn không ngừng cố gắng để mong có được kết quả tốt nhất và điều đó đã thành hiện thực”, Nhài chia sẻ.
Ngành học Nhài đăng ký ban đầu là công nghệ vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, sau đó em đã quyết định học ngành cấp thoát nước của khoa Kỹ thuật môi trường. Lựa chọn khối ngành kỹ thuật, bản thân Nhài xác định chương trình học nặng với lượng kiến thức đồ sộ hơn các trường khác. Vì thế, năm thứ nhất đại học cũng đánh dấu một sự thay đổi hoàn của cô gái.
“Học kỳ đầu tiên, em khá bỡ ngỡ, chưa quen với cách tiếp thu kiến thức trên giảng đường. Có nhiều môn học đại cương khó nên em không nắm được vấn đề thầy cô truyền tải. Kết quả học tập của em bị kéo xuống, thậm chí còn bị trượt một môn”, Nhài nhớ lại.
Dù có lúc thấy chán nản, nhưng sau đó Nhài lại tiếp tục cố gắng, “bơi” dần bằng cách thay đổi phương pháp học tập. Nhài dành thời gian đọc trước bài ở nhà, lên lớp tập trung nghe thầy cô giảng.
Có gì chưa hiểu, em thường hỏi luôn để được thầy cô giải đáp. Nhờ vậy, sang học kỳ tiếp theo, thành tích học tập của cô gái này đã trong top dẫn đầu lớp.
Nữ sinh tiếp tục đặt ra từng mục tiêu cụ thể để từng bước cải thiện điểm tích lũy từ 3.0 lên 3.2 và cao hơn nữa. Chính thay đổi đó giúp Nhài có thêm động lực học tập, nhận được học bổng giỏi và xuất sắc trong 7 kỳ liên tiếp.
Ngoài ra, Nhài còn nhận học bổng ngành nước và học bổng Đỗ Quốc Sam của Trường Đại học Xây dựng, tham gia nghiên cứu khoa học cấp trường với đề tài “Nguyên liệu vi sinh”.
Điểm 10 đồ án sau những ngày xuyên đêm
Nhìn lại quãng thời gian học đại học, Nhài cho hay đáng nhớ nhất là những ngày tháng chạy nước rút để “tăng tốc” bước qua “mùa đồ án”.
“Trên lớp em sẽ hoàn thành hết bài vở, trao đổi và giải đáp thắc mắc để nắm rõ kiến thức môn chuyên ngành. Thời gian còn lại em dành hết cho nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu để làm đồ án. Những ngày xuyên đêm đã quá quen thuộc với em”.
Nhờ sự sắp xếp hợp lý cùng những ‘đêm trắng’ miệt mài, Nhài đã hoàn thành đồ án tốt nghiệp xuất sắc. Với đề tài “Thiết kế hệ thống thoát nước khu vực phía nam Thái Nguyên giai đoạn đến 2025”, nữ sinh nhận được “điểm 10” tròn trĩnh từ hội đồng.
Nguyễn Thị Nhài bảo vệ đồ án tháng 1/2021 |
Nhiều người vẫn ví con con gái học Xây dựng như “hoa của đá” bởi phải quen thuộc với bê tông, cốt thép, gạch đá. Còn Nhài cho rằng, môi trường kỹ thuật đã giúp em có sự mạnh mẽ, vững vàng, dám đối đầu với thử thách.
Theo Nhài, để có kết quả tốt trong học tập thì cần biết cách sử dụng thời gian hợp lý. Để không bị dồn nén việc ôn tập trước các kỳ thi, cần tập trung cao độ để nắm vững kiến thức ngay trên lớp. Thời gian còn lại nên dành cho việc học ngoại ngữ, làm đồ án, nghiên cứu khoa học,…
Mặc dù vậy, điều khiến Nhài nuối tiếc nhất chính là bỏ lỡ nhiều hoạt động đoàn thể, các cuộc thi trong trường để có thêm trải nghiệm và học hỏi nhiều kỹ năng hơn.
Thủ khoa trường Xây dựng từng là thành viên trong đội bóng của khoa |
Nhài dự định sẽ đi làm trong 1 -2 năm để có kinh nghiệm thực tế. Đồng thời, tìm học bổng du học để phát triển theo hướng chuyên sâu về mảng nghiên cứu.
Ngọc Linh
Nữ sinh trở thành thủ khoa ĐH Kinh tế Quốc dân với điểm số gần tuyệt đối
Cho rằng với những gì thầy cô giáo giảng trên lớp, sinh viên chỉ có thể nhớ được khoảng 50% kiến thức và sẽ “rơi rớt” dần theo thời gian, vì thế Ngọc đã tự rèn cho mình thói quen ghi chép bài một cách có hệ thống.