Gia sư Hạnh Phúc – Tương lai của bạn – Hạnh phúc của chúng tôi

Thạc sĩ ĐH Harvard trả lời câu hỏi làm thế nào để vào ngôi trường này

Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Chính sách công tại ĐH Harvard, anh Trần Hà Dương cho biết trong một thời gian dài trước đây, ngôi trường danh giá này là “một thứ gì đó hoàn toàn xa vời với mình”.

Tôi chọn Harvard chứ không phải Harvard chọn tôi

Trần Hà Dương nói vui rằng anh từng nghĩ chỉ có hai cách để vào Harvard: “Một là bạn phải là siêu nhân, hai là bố mẹ bạn phải là siêu nhân”.

“Với cách 1, bạn phải giỏi 5 ngoại ngữ từ lớp 1 và đạt giải Nobel trước năm 18 tuổi. Với cách 2, bố mẹ bạn phải là nguyên thủ quốc gia hoặc top 100 người giàu nhất thế giới”.

Với suy nghĩ này, trong suốt một thời gian dài, anh Dương cho rằng Harvard là một thứ gì đó hoàn toàn xa vời với mình và chưa bao giờ là mục tiêu cuối cùng.

Thế nhưng, sau khi học xong đại học và làm việc một thời gian, anh Dương lại đặt Harvard là lựa chọn cho việc học cao học.

Lý do, như anh lý giải, những điều nghĩ trước đó không hoàn toàn đúng.

{keywords}
Anh Trần Hà Dương và mẹ trong ngày tốt nghiệp ĐH Harvard 

“Mình bắt đầu suy nghĩ đến việc nộp đơn vào Harvard sau khi giúp đỡ các bạn trẻ Việt Nam phát triển kỹ năng tư duy, tranh luận, hùng biện, và nhận ra được nguồn cảm hứng từ những việc làm có ý nghĩa, vượt ra ngoài những tham vọng cá nhân. Khi đọc về chương trình Thạc sĩ Chính sách Công của Harvard, mình thực sự cảm nhận được rằng trường muốn giúp đỡ những người như mình để góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trên toàn thế giới”.

Thời điểm anh Dương quyết định đi du học cũng đồng nghĩa với việc phải nghỉ làm ở một tập đoàn đa quốc gia với mức thu nhập khá ổn và con đường thăng tiến đang rộng mở.

“Vì vậy, nhiều bạn có lẽ sẽ khá bất ngờ khi mình nói rằng suy nghĩ của mình lúc đó không phải là có đủ điều kiện để được Harvard nhận không, mà là Harvard có đáp ứng được điều kiện của mình, để mình sẵn sàng đánh đổi những cơ hội đang có hay không. Trong đó, điều kiện quan trọng nhất là Harvard phải giúp mình có thêm hành trang cần thiết để hiện thực hóa một khát vọng” – anh Dương nói.

Khát vọng đó, như anh Dương chia sẻ, là giúp cho giới trẻ Việt Nam có được bản lĩnh và những kỹ năng cần thiết, qua đó góp phần phát triển Việt Nam trở nên giàu mạnh, hùng cường.

Và trong bài luận nộp vào ĐH Harvard, anh Dương có kể cho ban tuyển sinh của trường về YVS – một tổ chức về kỹ năng tư duy, tranh luận, hùng biện cho giới trẻ Việt Nam mà anh đã sáng lập từ nhiều năm trước.

Trong bài luận này, anh Dương cũng kể về sự ngưỡng mộ của mình đối với khát vọng của ba và những người bạn của ông đã chiến đấu ra sao trong cuộc kháng chiến cứu nước.

{keywords}
Thạc sĩ Trần Hà Dương

“Và mình tự hỏi tại sao thế hệ của chúng ta lại không thể có một ngọn lửa chung như vậy? Nếu như khát vọng của thế hệ ngày đó là độc lập, tự do, thì khát vọng lớn nhất của thế hệ trẻ ngày nay phải là một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường. Mỗi người chúng ta có thể đóng góp cho điều đó theo một cách riêng, nhưng tầm vóc, bản lĩnh của thế hệ ngày nay là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa khát vọng đó” – anh Dương khẳng định.

Hãy thay đổi cách đặt câu hỏi

Dự án YVS – “Youth’s View, Voice and Vision in Society” mà Trần Hà Dương đề cập tới trong bài luận nộp vào Harvard, được anh cùng bạn bè bắt tay thực hiện từ mùa hè năm 2012. Đây là một dự án nhằm tạo ra môi trường thân thiện giúp các bạn trẻ trong nước chia sẻ kỹ năng tư duy, tranh luận và hùng biện về các vấn đề xã hội có liên quan đến giới trẻ.

“Hồi đó, mình vừa học xong năm đầu tiên đại học ở Mỹ và vừa trải qua một cú sốc văn hóa lớn, khiến cho bản thân liên tục đặt câu hỏi về những giá trị của chính mình. Cùng lúc đó, mình nhận ra rằng giới trẻ Việt Nam trong đó có cả mình, còn thiếu rất nhiều những kỹ năng và sân chơi cần thiết để có thể tự tin trình bày quan điểm cá nhân” – anh Dương chia sẻ lý do thực hiện dự án.

Trong năm đầu tiên thành lập, YVS đã tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo và cuộc thi lớn về tư duy, tranh luận, hùng biện như IChallenged 2012, 2013, BNW 2013.

Trước đó, bản thân Trần Hà Dương cũng là một người “nói giỏi”. Ngay từ những những năm học trung học, Dương đã là đại biểu tại các Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc (Model United Nations). Anh cũng từng nhận giải thưởng Nhà Ngoại giao Trẻ của Hiệp hội Liên Hợp Quốc tại Singapore năm 2010.

Lên đại học, anh là thành viên của đội tuyển tranh luận Amos. J. Peaslee của trường ĐH Swarthmore, tham dự các giải thi đấu tranh luận tại các trường đại học nổi tiếng như Harvard, Princeton, New York University….

Anh cũng đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên tại Liên Hợp Quốc lần thứ 11, tổ chức tại New York vào tháng 1/2013…

{keywords}
Trần Hà Dương là đại diện của Việt Nam tham dự Diễn đàn Thanh niên UNESCO lần thứ 8, tổ chức tại Pháp năm 2013

Anh nhận ra mình có khả năng hùng biện từ khi nào? Khả năng này đã giúp này như thế nào trong quá trình học tập trước đây và khi đi làm? – Trả lời câu hỏi này, anh Dương cho biết mình luôn tâm niệm rằng những lời nói có sức ảnh hưởng tích cực nhất là khi đến từ trái tim của người nói.

“Trong học tập và khi đi làm cũng vậy, mình không phải là người nói nhiều nhất hay nói lưu loát nhất, nhưng mình luôn cố gắng là người nói có sức ảnh hưởng tích cực nhất cho đồng nghiệp xung quanh hoặc hướng đi chung của nhóm làm việc”.

So với 10 năm trước, thì theo anh Dương, bây giờ các bạn trẻ có nhiều cơ hội hơn để luyện tập kỹ năng tư duy, tranh luận và hùng biện qua các cuộc thi và các hoạt động ngoại khóa. Xã hội Việt Nam cũng đã có những nhận thức sâu sắc hơn về sự cần thiết của những kỹ năng này. Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng đã có cơ hội tiếp cận, nhất là các bạn ở vùng sâu, vùng xa.

“Để giúp các bạn trẻ có những kỹ năng này thì chính thầy cô và các phụ huynh phải có sự cởi mở hơn về tư duy, biết chấp nhận và thậm chí là khuyến khích những quan điểm khác biệt từ học trò hay con mình. Để những thay đổi này đi vào từng lớp học và trong từng gia đình là một chặng đường sẽ phải mất nhiều năm nữa”.

{keywords}
Anh Trần Hà Dương trong một buổi trò chuyện với các bạn trẻ về định hướng hướng nghiệp

Theo anh Dương, một trong những trở ngại lớn nhất của các bạn trẻ là thói quen nghĩ theo đám đông, hoặc hay để áp lực từ thầy cô, phụ huynh, bạn bè chi phối những quyết định của mình.

“Các bạn trẻ có thể tập thói quen thay vì chỉ hỏi câu hỏi “Cái gì?” hay “Nên làm gì?”, thì tập hỏi “Vì sao?”“Thế thì sao?”“.

Anh Dương lấy ví dụ: “Có rất nhiều bạn trẻ từng hỏi mình “Em nên học chuyên ngành gì?”, “Em nên theo đuổi nghề gì?” Những câu hỏi này bản chất đã hàm ý phụ thuộc tư duy vào một người khác. Thay vào đó, các bạn có thể tự hỏi “Vì sao mình lại thích/ không thích ngành này?”, “Nếu mình quyết định đi theo nghề này, trái với ý muốn của bố mẹ, thì sao?”. Đây là những câu hỏi giúp phát triển tư duy phản biện và là nền tảng giúp các bạn tự tin trình bày và bảo vệ quan điểm của mình hơn”.

Tuy nhiên, anh Dương cũng khẳng định rằng thực chất việc trau dồi những kỹ năng này không phải là mục tiêu cuối cùng, mà chúng chỉ là những hành trang cần thiết cho mỗi bạn trẻ có thể tự tìm hướng đi cho riêng mình và đóng góp cho xã hội theo cách riêng của mình.

Trần Hà Dương sinh năm 1991.

Khi đang học lớp 9, Dương giành được học bổng A*Star của Chính phủ Singapore. Anh luôn có thành tích đứng đầu khi theo học 4 năm ở ngôi trường hàng đầu Singapore là Hwa Chong Institution.

Sau đó, Dương nhận học bổng 4 năm của ĐH Swarthmore (bang Pennsylvania, Hoa Kỳ) và tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Kinh tế tại đây.

Anh từng làm việc tại các tập đoàn, tổ chức phi chính phủ lớn tại Mỹ, Singapore và Việt Nam…

Sau khi học Thạc sĩ chính sách công tại ĐH Harvard, Trần Hà Dương hiện đang làm trong ngành tư vấn chiến lược tại một tập đoàn lớn ở Việt Nam.

Phương Chi

Tiến sĩ người Việt có 15 bằng sáng chế của Mỹ

Tiến sĩ người Việt có 15 bằng sáng chế của Mỹ

Là tiến sĩ có 15 bằng sáng chế Mỹ, trở thành quản lý cao cấp của nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại tập đoàn có doanh thu gần 20 tỉ USD, nhưng TS Công thừa nhận, anh từng không biết mình nên học ngành gì.

Nguồn vietnamnet.vn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận