Gia sư Hạnh Phúc – Tương lai của bạn – Hạnh phúc của chúng tôi

Nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên đến năm 2025, tầm nhìn 2035

Báo cáo tóm tắt đề tài, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền cho biết, nhóm nghiên cứu xác định rõ ý nghĩa quan trọng và thiết thực của đề tài khoa học cấp quốc gia này. Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở quan trọng để hệ thống lại và điều chỉnh hệ thống thông tin quản lý giáo dục tại Việt Nam. Các sản phẩm và kết quả nghiên cứu đóng góp trực tiếp cho việc hoạch định chính sách về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là chính sách liên quan đến đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh thay đổi của xã hội và đổi mới giáo dục tại Việt Nam.

Đây cũng là căn cứ tư vấn cho các cơ sở đào tạo giáo viên có kế hoạch cụ thể trong xác định số lượng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo; điều chỉnh chương trình đào tạo và bồi dưỡng cho phù hợp với bối cảnh mới; các địa phương có kế hoạch tuyển dụng và phát triển đội ngũ giáo viên của mình. Tất cả những việc này nhằm tránh tình trạng thừa – thiếu giáo viên, lãng phí nguồn lực xã hội do đào tạo không gắn với nhu cầu thực tiễn và yêu cầu của đổi mới giáo dục hiện nay. Nghiên cứu cũng là một bước quan trọng để dần hiện thực hoá yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII về việc “đào tạo giáo viên gắn với địa chỉ và có chính sách sử dụng hợp lý để khắc phục nhanh chóng tình trạng thiếu giáo viên hiện nay”.

Nhóm nghiên cứu khi thực hiện đề tài đã hướng tới 4 mục tiêu chính. Thứ nhất là xây dựng được một luận cứ khoa học cho việc dự báo nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Thứ hai là đánh giá thực trạng hiện nay về cả số lượng và chất lượng của đội ngũ này từ bậc mầm non đến phổ thông. Nhóm xác định mô hình toán học, quy trình, thiết kế phần mềm dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên đến 2025. Và mục tiêu cuối cùng là đề xuất hệ thống các giải pháp đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035.

Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập số liệu, điều tra thực tế về thực trạng đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông đến thời điểm hiện tại, trên bình diện số lượng, chất lượng phân bố theo môn học và độ tuổi, bậc học ở từng vùng miền. Gần 900 phiếu điều tra đã được phát tới hơn 100 phòng Giáo dục của các tỉnh thành để thu thập số liệu, điều tra thực tế, từ đó đưa ra dự báo nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho từng khoảng thời gian và từng vùng miền cụ thể.

Sau những phân tích thực trạng và dự báo nhu cầu, nhóm nghiên cứu đã đề ra hệ thống giải pháp và khuyến nghị cho công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035 trên phạm vi quốc gia cũng như từng khu vực. Các giải pháp được đề xuất bao quát toàn bộ vấn đề từ đào tạo, bồi dưỡng đến quy hoạch tổng thể mạng lưới các trường sư phạm, các cơ sở đào tạo giáo viên; công tác tuyển sinh của các trường sư phạm; hệ thống chính sách phát triển giáo dục mà cụ thể là chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo giai đoạn hiện nay.

Tóm tắt kết quả thảo luận của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận những nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong 3 năm thực hiện đề tài có tính chiến lược, phức tạp, đòi hỏi thời gian, công sức và phương pháp nghiên cứu khoa học này. Thứ trưởng đồng thời đánh giá cao những ý kiến góp ý, phản biện chính xác, sắc sảo của Hội đồng và chuyên gia trong cuộc họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài. Những ý kiến này, Chủ tịch Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu tối đa và hoàn thiện lại báo cáo để đơn vị chức năng trình xin ý kiến Bộ trưởng Bộ GDĐT công nhận kết quả, cũng như có những chỉ đạo việc ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn.

Nguồn Bộ Giáo Dục và Đào Tạo

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận