Ngoài dạy tiếng Anh cho người dân, CLB còn hỗ trợ giao tiếp tiếng Anh cho học sinh và giáo viên tại Nam Đàn, Nghệ An
Lớp học không đặt mục tiêu cao, mà chỉ mong muốn “phổ cập” tiếng Anh giao tiếp đơn giản, cơ bản cho người dân để phát triển ngành nghề của mình phù hợp với bối cảnh mới.
Đưa tiếng Anh về bản
Cái tin sẽ mở lớp học tiếng Anh miễn phí khiến người dân xã biên giới Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An) vừa tò mò, vừa háo hức, chờ đợi. Môn Sơn nằm ở vùng rừng quốc gia Pù Mát. Đây còn là cái nôi cách mạng tại khu vực miền Tây xứ Nghệ, nơi sinh sống của bà con dân tộc Thái, Đan Lai… với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa vẫn được giữ gìn. Lâu nay, bà con Môn Sơn đã quen thuộc với việc có nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa truyền thống. Nhưng sự giao tiếp của người dân đối với những “người lạ” gặp nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Kể cả những homestay thu hút đông khách trong và ngoài tỉnh thì vẫn hiếm khi có khách ngoại quốc lưu trú.
Anh Lô Văn Thủy (bản Xiềng, xã Môn Sơn) chia sẻ: “Gia đình tôi có mở homestay khá lâu và đón nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước. Nhưng tôi không nói chuyện được với họ vì không biết ngoại ngữ”. Xuất phát từ nhu cầu giao tiếp được với khách, nên khi có tin thành lập CLB ngoại ngữ cộng đồng, anh Thủy đã đăng ký tham gia và tình nguyện cho mượn nhà của mình làm nơi đặt lớp học. “Tôi muốn biết được những từ cơ bản để có thể giới thiệu món ăn, sản vật địa phương, nơi có phong cảnh đẹp, trả lời về giá cả… Tôi cũng muốn giới thiệu cho khách biết về văn hóa phong tục tập quán của quê hương mình”, anh Thủy nói.
Tham gia CLB có nhiều người đã 30 – 40 tuổi, cũng có một số cháu tiểu học. Cứ tối thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, mọi người lại đội đèn pin mang theo vở đến lớp. Phụ trách dạy lớp ngoại ngữ cộng đồng này là cô Lô Thị Yến Phương (GV tiếng Anh tiểu học) cùng trợ giảng là cô Hà Thị Vân (GV tiếng Anh mầm non). Những bài học được đi từ chào hỏi, giới thiệu, các con số, địa danh, tên các món ăn, chỉ dẫn đường… Chị Hà Thị Hương, năm nay hơn 40 tuổi mới tập làm quen với tiếng Anh. Nhưng chị không ngại học, không ngại nói.
“Gia đình tôi cũng mở homestay ở bản Xiềng này. Trước đó, tôi đã đi học nấu ăn, tham gia CLB dệt thổ cẩm và văn hóa, văn nghệ truyền thống. Nhưng đi học tiếng Anh là lần đầu tiên. Nhưng cô giáo dạy dễ hiểu, đều là những thứ quen thuộc ở xung quanh. Vì vậy, tôi và mọi người trong lớp đều vui, thích học. Khó nhất là phát âm để khi khách nước ngoài hỏi, mình trả lời thì họ hiểu được. Dù bận rộn nhưng tôi chưa bỏ buổi học nào”, chị Hương cho hay.
Lớp học ngoại ngữ cộng đồng ở homestay tại bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An
Thầy cô giáo vì cộng đồng
Lô Thị Yến Phương phụ trách lớp ngoại ngữ cộng đồng tại Môn Sơn (Con Cuông) hiện là GV Trường Tiểu học Lục Dạ 2. Phương tốt nghiệp Sư phạm Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhưng sau khi nhận tấm bằng ĐH, cô giáo trẻ không chọn ở lại thành phố mà quay trở về bản làng. Về nơi mình sinh ra lớn lên, nơi đang thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh nhưng suốt nhiều năm ngành Giáo dục không tuyển được, vì quá xa xôi, khó khăn. Cô trở về trước hết vì thương bố mẹ, và muốn đem kiến thức, câu chuyện của mình để truyền cảm hứng cho những đứa trẻ dân tộc Thái như mình ngày xưa. Sau nữa là vì thương bà con trong bản.
“Mọi người rất chịu khó, khi ruộng đất ít, rừng quốc gia không được khai thác, bà con đã biết học hỏi làm du lịch, nhưng lại không biết nói tiếng Anh. Nghe các chị, các bà kể khi khách du lịch nước ngoài đến thăm bản mà không ai biết nói chuyện, muốn bán cơm lam, mọc, hay váy dân tộc Thái cũng không biết mời như thế nào. Nên bản thân em cũng rất vui khi được đứng lớp CLB ngoại ngữ cộng đồng trên quê hương mình”, Phương nói.
Lớp tiếng Anh miễn phí tại bản Xiềng, xã Môn Sơn đã hoạt động được 4 tuần. Để tạo hứng thú cho học sinh “đặc biệt” Phương và giáo viên trợ giảng soạn các bài học với nội dung thiết thực, gần gũi nhất và hướng đến tiếng Anh du lịch là chính. Thành viên trong lớp chủ yếu là các chị lớn tuổi, người dân tộc Thái, nên việc lựa chọn từ ngữ dạy học cũng ngắn gọn, dễ phát âm. Để học viên nhớ từ vựng, cô thường gợi liên tưởng đến sự việc thân quen xung quanh, hoặc ghép thành bài hát với vần điệu quen thuộc. Sau mỗi buổi học, giáo viên còn quay lại clip nội dung bài giảng, gửi vào nhóm Zalo của lớp để học viên có thể thường xuyên xem lại.
Dự kiến lớp học sẽ diễn ra trong 35 buổi với mục tiêu biết giao tiếp cơ bản, phát âm “gần đúng”, dễ nghe. “Trái với lo lắng ban đầu, bà con rất hào hứng và tiếp thu tương đối tốt. Tôi tự tin rằng hơn 20 học viên của lớp sẽ “tốt nghiệp” đúng thời gian với yêu cầu đề ra”, cô Lô Thị Yến Phương khẳng định.
Cô Lô Thị Yến Phương (bên trái) thực hành một đoạn hội thoại chỉ đường cho khách nước ngoài
Ngoài huyện Con Cuông, mô hình CLB ngoại ngữ cộng đồng cũng được thí điểm tại quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đặt lớp học ngay trong Trường THCS Kim Liên (huyện Nam Đàn). Thầy Nguyễn Vương Linh – Hiệu trưởng nhà trường, cũng là Chủ nhiệm CLB cho biết, mô hình được chọn để triển khai ở Kim Liên vì nơi đây có khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, địa điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất của Nghệ An.
Sau thời gian hoạt động, ngoài học viên đến từ hợp tác xã, homestay thì còn có một số chủ ki-ốt buôn bán nhỏ lẻ quanh Khu di tích Kim Liên cũng đăng ký theo học. “Cá nhân tôi cho rằng, việc tổ chức các lớp học tiếng Anh này rất ý nghĩa bởi học viên đều là những người có tuổi, “ngại” đến lớp hoặc đến các trung tâm để học tiếng Anh. Khi có lớp mở tại địa phương, họ thấy gần gũi, thân quen sẽ tự tin hơn. Nhà hỗ trợ phòng học với đầy đủ thiết bị dạy học ngoại ngữ. Tôi cũng mong muốn không chỉ người dân, CLB cũng là môi trường thú vị để học sinh của trường được thực hành thêm tiếng Anh và giao tiếp với nhiều giáo viên”, thầy Nguyễn Vương Linh bày tỏ.
Thuận lợi về khoảng cách địa lý nên CLB ngoại ngữ cộng đồng tại Kim Liên cũng nhận được sự hỗ trợ của giáo viên người nước ngoài từ trung tâm tiếng Anh ở TP Vinh. Ông Akuffo Bright Kori (người Ghana) cho hay, trước khi đặt chân đến Việt Nam tôi đã nghe nhiều đến địa danh Kim Liên và quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì thế, khi biết đến mô hình CLB ngoại ngữ cộng đồng ông rất thích thú và vui khi được tham gia vào dự án. Ông cũng bày tỏ mong muốn sẽ làm được điều ý nghĩa cho người dân và học sinh ở đây. Đồng thời sẵn sàng giúp đỡ các giáo viên người Việt khác để soạn giáo án hay hỗ trợ về tài liệu học tập…
Mô hình CLB cộng đồng tiếng Anh cũng là một trong những nội dung nhằm triển khai đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030. Thông qua lớp học này nhằm tạo môi trường học tập ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng cho người dân ở các vùng du lịch có thể giao tiếp, giới thiệu, phát triển mạnh mẽ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc đáo. Qua đó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước và con người xứ Nghệ.
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định, dù mới chỉ thí điểm tại 2 địa phương, nhưng tôi tin rằng hiệu quả của mô hình sẽ còn lan tỏa. Thời gian tới, sau đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm, Sở cũng sẽ cùng phối hợp với các địa phương để nhân rộng CLB ngoại ngữ cộng đồng. Mục đích trở thành nơi tập hợp, đoàn kết và giúp đỡ các thành viên là người dân, học sinh giao lưu, giao tiếp tiếng Anh, chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển du lịch, văn hóa để quảng bá hình ảnh đất và người xứ Nghệ. |