Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” theo Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Chỉ thị được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá những hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng XHHT giai đoạn vừa qua cũng như cập nhật những yêu cầu mới về giáo dục và đào tạo trong bối cảnh hiện nay để đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng và trúng về các vấn đề trọng tâm trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT giai đoạn mới.
Đặc biệt, Việt Nam đang tiến vào thập kỷ thứ 3 của thế kỷ XXI là thập kỷ của nền kinh tế tri thức, của thời đại số, của kỷ nguyên số, của yêu cầu phát triển con người và chia sẻ tri thức. Bối cảnh này vừa mang lại những lợi thế lớn đối với việc đa dạng hóa các cơ hội học tập cho người dân; đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với giáo dục và đào tạo …
Bên cạnh đó, các yếu tố an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… dự báo diễn biến khó lường, ngày càng tác động, ảnh hưởng đời sống. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực, kéo dài đặt ra nhu cầu không chỉ vượt qua khó khăn thách thức mà còn chủ động tích cực trước yêu cầu đỏi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước, mà ở đó, học tập suốt đời phải là chìa khóa của giải pháp.
Đứng trước bối cảnh thực tiễn trên, Chỉ thị 14/CT-TTg này 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã tập trung vào chỉ đạo các nội dung nhằm khắc phục những bất cập trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020, gồm: Nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập còn hạn chế; công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chức danh mà cán bộ, công chức đảm nhiệm; các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú và điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn nên chưa đáp ứng nhu cầu học tập của người dân chưa được coi trọng đúng mức; việc học tập và ý thức tự học trong nhân dân chưa cao; công tác đào tạo nghề cho công nhân, lao động nông thôn, bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên và người lao động; một bộ phận người dân còn tái mù chữ; chất lượng công tác đào tạo từ xa chưa cao.
Đồng thời, Chỉ thị 14/CT-TTg coi việc thúc đẩy việc học tập của người lớn như một giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức, làn sóng hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt, chuyển đổi số trong giáo dục được xem là một nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu để triển khai hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trong giai đoạn mới.