Mặc chiếc áo bà ba, cổ quấn khăn rằn, Nguyễn Hương Linh (học sinh lớp 12, Trường Phổ thông liên cấp Olympia) tự tin giới thiệu về những nét đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và đuông dừa – món ăn đặc sắc của miền Nam Bộ.
“Không phải tiếp nhận kiến thức một cách máy móc trong sách vở, chúng em đã được tự tìm hiểu, trải nghiệm và đắm mình vào văn hóa của các vùng miền. Nhờ vậy, những bài học đều trở nên sống động và dễ nhớ hơn rất nhiều”, Hương Linh hào hứng khi nói về dự án “Dấu ấn Việt Nam” được học sinh khối 12 và các thầy cô chuẩn bị ngay từ đầu năm học.
Sau các giai đoạn lên ý tưởng, lập kế hoạch và thực hiện dự án, ngày 24/4, học sinh trong toàn trường đã có buổi tổng kết, báo cáo sản phẩm tại ngày hội showcase – hướng nghiệp “Bản sắc và hội nhập”.
Những sản phẩm này sẽ được tính điểm để thay thế cho điểm kiểm tra giữa kỳ hoặc cuối kỳ của một số môn học.
Món đuông dừa được nhóm của Nguyễn Hương Linh giới thiệu tới mọi người
“Để chuẩn bị cho buổi báo cáo tổng kết hôm nay, cả nhóm đã phải chuẩn bị kỹ càng từ thời điểm trước Tết. Chúng em thường tận dụng thời gian sau giờ học để nghiên cứu, tìm kiếm thông tin, xây dựng bài thuyết trình và lựa chọn những sản phẩm trưng bày.
Giáo viên phụ trách cũng thường xuyên góp ý với cả nhóm thông qua những lần báo cáo trước lớp, từ đó chúng em đã dần hoàn thiện và đưa ra một sản phẩm học tập hoàn chỉnh”.
Cũng nhờ quá trình này, các thành viên trong nhóm của Linh đều “nằm lòng” những kiến thức về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, những nét đặc sắc trong văn hóa, trang phục, ẩm thực của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
“Việc tự tìm hiểu đã khiến em biến những kiến thức này trở thành của mình thay vì cố gắng học thuộc những điều có trong sách vở. Chúng em cũng mở rộng được nhiều mảng kiến thức thú vị, thực tế nằm ngoài sách giáo khoa”.
Học sinh mặc trang phục truyền thống và giới thiệu đặc trưng của các vùng miền
Cùng với nhóm của Linh, 11 nhóm khác trong khối 12 cũng tìm hiểu về những nội dung xoay quanh 7 vùng kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Phụ trách giới thiệu về khu vực đồng bằng sông Hồng, Phạm Đức Duy hào hứng chia sẻ, việc học thông qua các dự án khiến cậu không chỉ nắm được kiến thức của một môn học mà có thể tích hợp kiến thức từ rất nhiều môn.
“Khi tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, đặc điểm dân cư, kinh tế của một vùng miền đã giúp em tiếp nhận được kiến thức từ môn Địa lý; còn việc tìm hiểu về các trang phục truyền thống lại liên quan đến môn Lịch sử. Ngoài ra, khi quay, dựng video, làm slide thuyết trình hay thiết kế banner, chúng em lại cần đến kiến thức từ môn Tin học”, Đức Duy nói.
Nam sinh cũng cho rằng, việc học thông qua các dự án như vậy còn rèn cho học sinh rất nhiều kỹ năng như thuyết trình, làm việc nhóm, từ đó giúp việc học dễ tiếp thu hơn và làm tăng khả năng sáng tạo của học sinh.
“Trước đó, chúng em cũng được đi đến Huế ở khu vực Bắc Trung Bộ trong chuyến đi 3 ngày 2 đêm. Chúng em được mặc áo dài, tham quan các di tích trong Cố đô Huế. Được tìm hiểu, quan sát, em nhận thấy những kiến thức trong sách vở được hiện hữu rất trực quan, sinh động”.
Học sinh giới thiệu về vùng Tây Nguyên
Cô Nguyễn Thị Minh Thủy, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn của Trường Phổ thông liên cấp Olympia cho biết, việc học thông qua các dự án liên môn là hoạt động được nhà trường tổ chức thường xuyên.
Để chuẩn bị cho dự án “Dấu ấn Việt Nam”, ngay từ trước tháng 9, giáo viên các tổ bộ môn đã phải ngồi lại với nhau để thống nhất trong năm học này, thầy cô có thể “bắt tay” với nhau cùng thực hiện nội dung gì.
Sau đó, vào đầu năm học, học sinh đại diện cho mỗi lớp sẽ cùng thầy cô trao đổi và lựa chọn chủ đề phù hợp. Khi đã thống nhất, thầy trò sẽ cùng bắt đầu triển khai và lập kế hoạch chi tiết.
“Giáo viên chỉ có vai trò định hướng và nắm bắt tiến độ thực hiện của học sinh, còn học trò sẽ tự lên ý tưởng và thực hiện. Để thực hiện dự án, học sinh sẽ phải kết hợp các kiến thức về Công nghệ thông tin, Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý,…”.
Giới thiệu về các nhạc cụ dân tộc
Giữa tháng 11, học sinh sẽ có chuyến đi trải nghiệm thực tế ở một số vùng miền. Đây cũng là cơ hội để học sinh tìm hiểu, khám phá thêm về ẩm thực, tín ngưỡng, kiến trúc; chiêm ngưỡng các di sản văn hóa, trải nghiệm hoạt động văn hóa thông qua sự hướng dẫn của người dân bản địa.
Sau quá trình trải nghiệm này, với chất liệu ấy, học sinh sẽ phải hoàn thành sản phẩm đầu ra là một tiểu luận dài 12 – 15 trang; sau đó là một sản phẩm tập thể có ứng dụng công nghệ thông tin để tổng kết, chia sẻ đến thầy cô, các bạn và phụ huynh trong toàn trường.
Học sinh Olympia biểu diễn vở kịch Nghêu Sò Ốc Hến trong dự án “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc”.
Mặc dù nhìn thấy những hiệu quả tích cực từ hoạt động này, nhưng theo cô Thủy, việc thực hiện một dự án kéo dài suốt cả năm học không phải là điều dễ dàng.
“Với bất cứ hoạt động nào vượt ra khỏi quy mô lớp học, phá vỡ ranh giới không gian lớp học thì đó đã là khó khăn. Đây lại là một dự án dài kỳ, kết hợp của nhiều môn học; do đó giáo viên phải sắp xếp thời gian sao cho không làm ảnh hưởng đến những môn học khác”.
Bên cạnh đó, theo cô Thủy, “liên môn” không có nghĩa là ghép các môn lại với nhau một cách cơ học mà phải đi vào bản chất kiến thức, lựa chọn những phần có thể kết hợp nhuần nhuyễn, từ đó giảm tải những phần nội dung trùng lặp cho học sinh.
Ví dụ, khi học đến những tác phẩm văn học liên quan đến truyện thơ dân gian của dân tộc Thái, các thầy cô bộ môn Tin học có thể hướng dẫn học sinh lồng ghép kỹ thuật để quay dựng phim tư liệu. Trong khi đó, ở môn Âm nhạc, học sinh lại có thể kết hợp biểu diễn các điệu dân ca cùng các nhạc cụ dân tộc để hiểu hơn đời sống văn hóa, tinh thần của mỗi vùng miền,…
Thông qua một sản phẩm, thậm chí, học sinh có thể sẽ được đánh giá, tính điểm cho cả 5 môn học cùng lúc.
“Điều quan trọng nhất là phải trả kiến thức về cho học sinh, tức các em phải là người tự xây dựng ý tưởng, lập kế hoạch và triển khai. Nếu chỉ dừng lại ở phía thầy cô, điều đó vẫn mang tính sách vở, đôi khi là cưỡng ép, chưa xuất phát từ nhu cầu tự thân học sinh”, cô Thủy nói.
browser not support iframe.
Thúy Nga
‘Lần đầu tiên, con thấy môn Lịch sử thú vị đến thế’
Thay vì ngồi trên lớp đọc những số liệu khô khan trong sách vở, học sinh lại được đắm chìm vào những câu chuyện lịch sử thông qua các phương tiện dạy học trực quan.