Sau khi có đơn của 11 giảng viên khoa Hàn Quốc học – Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM đã lập tổ xác minh và kết luận nhiều nội dung “không có cơ sở”.
Đối với kiến nghị về việc bổ nhiệm Trưởng khoa chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn và các quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, trưởng khoa chưa được quy hoạch cấp trưởng khoa khi bổ nhiệm, chưa là đảng viên, chưa qua lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị kể cả trung cấp, vi phạm chế độ kế hoạch hoá gia đình, có 2 quốc tịch, không đủ tiêu chuẩn có 3 năm kinh nghiệm quản lý.
ĐH Quốc gia TP.HCM xét thấy bà Nguyễn Thị Phương Mai được Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn bổ nhiệm làm Trưởng khoa đáp ứng theo tiêu chuẩn, điều kiện và các quy định của pháp luật và của đơn vị.
“Trưởng khoa thiếu dân chủ trong quản lý điều hành đơn vị, yếu về năng lực quản lý, lãnh đạo dẫn đến việc điều hành Khoa Hàn Quốc học một cách độc đoán, chuyển quyền, tùy tiện, duy chí, hành xử thiếu tôn trọng đồng nghiệp, cư xử mang tính tư thù đối với những giảng viên có chính kiến”.
Kiến nghị này được chi tiết qua các vụ việc như: Quy định làm việc của khoa chưa được Ban Giám hiệu phê duyệt. Trưởng khoa đã tự ý áp đặt mệnh lệnh: đi họp trễ 15 phút coi như vắng mặt và lấy đây làm tiêu chí đánh giá giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ.
Văn phòng khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM |
Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, quy định “đi họp trễ 15 phút coi như vắng mặt” đã được đưa ra bàn bạc tại khoa nhằm siết lại kỷ cương, kỷ luật. Trong buổi họp viên chức, người lao động trong khoa không có ý kiến phản hồi đối với nội dung này. Trưởng khoa đã không tự ý áp đặt mệnh lệnh này, và đã thể hiện tính dân chủ khi đưa quy định này ra họp và thảo luận tại khoa.
Việc lấy tiêu chí vắng họp khoa để đánh giá giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, quy định vắng họp trên 30% xem như không hoàn thành nhiệm vụ đã được Trưởng khoa nêu ra trong cuộc họp khoa và được ghi nhận trong biên bản họp khoa. Tuy nhiên, thực tế sau đó không áp tiêu chí này vào việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên.
“Trưởng khoa thể hiện sự thiếu tôn trọng với đồng nghiệp thông qua việc gửi email triệu tập họp hai tiếng trước giờ họp mà không có nội dung cuộc họp, yêu cầu người không đến dự họp được phải ghi biên bản, lý do, ký tên bút xanh và gửi về văn phòng khoa”
Theo ĐH Quốc gia TP.HCM không có cơ sở để kết luận trưởng khoa thiếu tôn trọng đồng nghiệp. Việc gửi email triệu tập họp hai tiếng trước giờ họp mà không có nội dung cuộc họp xảy ra vào ngày 7/8/2020. Từ các email thông báo, từ kết quả trao đổi với các giảng viên khác trong khoa Hàn Quốc học, với lãnh đạo trường, từ các minh chứng thu thập được thì cuộc họp đó trưởng khoa có lý do chính đáng để triệu tập.
Đối với vấn đề người vắng họp phải ghi biên bản, lý do, ký tên bút xanh và gửi về văn phòng khoa, qua xác minh nội dung này có thể hiện trong email do thư ký khoa gửi cho các giảng viên, email này không nhắc đến thời điểm phải nộp văn bản có ký mực xanh về văn phòng khoa.
‘Trong ứng xử với đồng nghiệp, trưởng khoa thể hiện sự độc đoán, thiếu tôn trọng giảng viên, không lắng nghe ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của giảng viên”.
ĐH Quốc gia TP.HCM, xác minh trong các công việc của khoa, bản thân Trưởng khoa có chuẩn bị kế hoạch, có trao đổi, tham khảo tư vấn của cấp trên, trao đổi với đồng nghiệp, giảng viên trong khoa và có tiếp nhận ý kiến đóng góp, trao đổi.
Căn cứ vào tình hình thực tế, Trưởng khoa sẽ quyết định cách thức quản lý, điều hành công việc của khoa áp dụng theo đúng thẩm quyền được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 và điểm a khoản 1 Điều 12 Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, cụ thể “Trưởng khoa quản lý giảng viên người lao động khác, người học khác của khoa theo phân cấp của Hiệu trưởng…
Riêng đối với việc phân công nhân sự viết báo cáo theo các tiêu chuẩn AUN, trong quá trình giải quyết kiến nghị, để có thêm thông tin khách quan từ bên thứ ba độc lập, ĐH Quốc gia đã làm việc trực tiếp với một số giảng viên khác trong khoa, giáo vụ, nhân sự chính tham gia viết các tiêu chuẩn AUN và những người này đều đánh giá Trưởng khoa có lắng nghe ý kiến góp ý và làm việc vì lợi ích chung, theo quy định của nhà trường.
“Trưởng khoa nhiều lần sử dụng việc họp kín với từng cá nhân giảng viên đã có ý kiến trái chiều trong cuộc họp chung của Khoa”.
Báo cáo của ĐH Quốc gia TP.HCM nêu đối với nội dung tổ chức họp kín, sự việc trưởng khoa họp riêng với các cá nhân có xảy ra, không riêng với các thầy cô trong nhóm làm đơn kiến nghị mà còn với cá nhân khác trong khoa Hàn Quốc học.
Nội dung các cuộc họp này theo các minh chứng bao gồm trao đổi công việc, tham vấn ý kiến riêng về công việc, làm rõ các ý kiến chưa rõ trong cuộc họp Khoa…, không có cơ sở để nói các cuộc họp này mang tính tiêu cực. Tại điểm a khoản 2 Điều 12 Quyết định số 1000/QĐ-XHNV-TCCB ngày 09/12/2016 quy định “Trưởng khoa quản lý giảng viên người lao động khác và người học khác của khoa theo phân cấp của hiệu trưởng”. Do đó tùy theo tính chất, điều kiện thực tế, Trưởng khoa được quyền quy định về hình thức, nội dung họp và việc họp đã được đưa lên lịch của Khoa.
Đối với nội dung “Trưởng khoa dùng những câu từ khiến người tiếp nhận có cảm giác bị đe dọa”: căn cứ các minh chứng thu thập được và qua quá trình trao đổi trực tiếp với các nhân sự có liên quan, không có cơ sở để kết luận nội dung này.
“Trưởng khoa có phát ngôn không phù hợp với các giảng viên trong buổi họp đánh giá viên chức”
Sự việc này có xảy ra trong một buổi họp toàn khoa, tuy rằng có những lý do khiến Trưởng khoa bức xúc và phát ngôn như thế, nhưng với vị trí người quản lý, đặc biệt trong môi trường giáo dục, việc phát ngôn này của Trưởng khoa không phù hợp.
“Cho thư ký viết biên bản họp Khoa không phản ánh trung thực, khách quan, đầy đủ nội dung cuộc họp; không có đủ chữ ký của các thành phần tham dự, không được gửi đến các thành viên dự họp. Tất cả các cuộc họp đều được ghi âm nhưng không thông báo việc này cho giảng viên”.
Xác minh của ĐH Quốc gia TP.HCM, biên bản họp khoa chỉ cần chữ kí người chủ trì và thư ký, không nhất thiết có đủ chữ kí của các thành phần tham dự. Không có quy định về việc ghi âm cuộc họp, vì vậy Trưởng khoa có quyền ghi âm buổi họp khoa và sử dụng đúng mục đích, không vi phạm quy định pháp luật.
Không có quy định bắt buộc phải gửi biên bản cho các thành viên tham dự cuộc họp. Không nhất thiết phải gửi biên bản, tuy nhiên Khoa phải gửi kết luận cuộc họp cho các thành viên tham dự.
Vấn đề Trưởng khoa không công khai một cách minh bạch về thông tin nhân sự đề án nghiên cứu
ĐH Quốc gia TP.HCM, kết luận rằng đề án “Điều tra hiện trạng con em gia đình Hàn – Việt chỉ có mẹ cư trú tại Việt Nam” được nhà trường giao cho bà Nguyễn Thị Phương Mai, do đó việc lựa chọn nhân sự và các nội dung khác liên quan đến đề án do bà Nguyễn Thị Phương Mai toàn quyền quyết định và không bắt buộc phải thông báo, công khai trong Khoa.
Đối với quyết định giao nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng và cấp chứng chỉ “Nghiệp vụ giảng dạy tiếng Hàn cho giáo viên bậc phổ thông”, nhà trường giao nhiệm vụ cho Khoa Hàn Quốc học. Do đó, với vai trò là Trưởng khoa, bà Nguyễn Thị Phương Mai phải có trách nhiệm công khai và triển khai trong toàn Khoa. Trên thực tế, Trưởng khoa công khai thông tin về Đề án thông qua buổi họp Khoa, lịch công tác và chọn nhân sự phù hợp chuyên môn theo đúng thẩm quyền của mình.
“Trưởng khoa tự ý chọn thành viên tham gia vào Đề án; loại giảng viên ra khỏi Đề án khi giảng viên có ý kiến trái chiều và đưa chuyên viên chưa có trình độ thạc sỹ vào thay thế”
Theo kết luậnTrưởng khoa với tư cách là chủ nhiệm đề tài có quyền chọn các thành viên tham gia nên phản ánh là không có cơ sở
Đối với nội dung phản ánh “loại giảng viên ra khỏi đề án khi giảng viên có ý kiến trái chiều …”: theo minh chứng thu thập được, việc đề xuất bổ sung, thay thế nhân sự tham gia đề án được Trưởng khoa thực hiện trước ngày giảng viên có ý kiến trái chiều tại buổi họp bình xét thi đua của khoa Hàn Quốc học vào ngày 5/8/2020.
Các vấn đề trong công tác triển khai đề án chương trình chất lượng cao tại khoa: Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, công tác triển khai đề án chương trình chất lượng cao còn hạn chế. Với vai trò là người đứng đầu, Trưởng khoa phải chịu trách nhiệm đối với những hạn chế này. Do đó, bà Nguyễn Thị Phương Mai cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề để có giải pháp khắc phục trong công tác đề án chương trình chất lượng cao.
Về các vấn đề trong quy trình mời giảng viên thỉnh giảng tại Khoa, trong quá trình đảm nhận công việc, Trưởng khoa Hàn Quốc học nhận thấy quy trình mời giảng viên thỉnh giảng của Khoa phức tạp và khó thực hiện nên đã tiến hành mời giảng viên thỉnh giảng theo quy trình rút gọn. Trưởng khoa có thẩm quyền thay đổi quy trình mời giảng viên thỉnh giảng phù hợp với quy định chung của nhà trường nhưng phải đảm bảo việc thay đổi này được thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, Trưởng khoa không thông báo chính thức bằng văn bản về việc thay đổi quy trình mời giảng viên thỉnh giảng. Do đó nội dung kiến nghị này có sơ sở…
Về ý kiến Trưởng khoa ấn định việc viết chương trình kiểm định và đảm bảo chất lượng cao AUN cho nhóm 5 thành viên mà trong số đó có 4 thành viên đã từng bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Khi trưởng nhóm nhiều lần ý kiến và đưa ra đề xuất để đảm bảo chất lượng thì Trưởng khoa không tiếp nhận mà vẫn đơn phương áp đặt nhóm 5 người phải viết toàn bộ chương trình.
ĐH Quốc gia TP.HCM kết luận, Trưởng khoa có thẩm quyền quyết định đối với công tác đảm bảo chất lượng của khoa và phải chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng nhà trường. Do đó việc lựa chọn và phân công nhân sự viết các tiêu chuẩn AUN của Trưởng khoa là đúng quy định.
Trưởng khoa cũng không làm sai tuy nhiên ở góc độ công việc cần nhìn nhận và xem xét lại toàn bộ quá trình viết chương trình và đảm bảo chất lượng cao AUN, rút kinh nghiệm và có điều chỉnh phù hợp….
Lê Huyền
Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM đã ‘thay máu’ khoa Hàn Quốc học
Khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã xuất hiện rất nhiều giảng viên mới.
Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM kết luận vụ 11 giảng viên Hàn Quốc học nghỉ việc
Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM đã ký thông báo về việc giải quyết đơn kiến nghị của 11 giảng viên Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.