Giáo dục ‘cá nhân hóa’, cũng như giúp trẻ xây dựng nhân cách từ lứa tuổi tiểu học là những điều khiến cô giáo trẻ người Việt ở xứ Kiwi cảm thấy hứng thú.
Sau 2 năm làm trợ giảng tại Hội đồng Anh, mùa hè năm 2018, Nguyễn Như Quỳnh (26 tuổi, Hà Nội) tình cờ gặp đại diện 1 trường đại học của New Zealand tại Hà Nội. Sau cuộc gặp đó, cô gái trẻ cảm thấy hứng thú và quyết định du học.
“Mình chọn học chứng chỉ Sư phạm tiểu học ở New Zealand vì biết chương trình chỉ gói gọn trong vòng 1 năm. Điều đó sẽ giúp mình tiết kiệm cả về thời gian lẫn tài chính”, cô giáo 26 tuổi kể.
Hơn 10 lần bị từ chối trước khi trở thành giáo viên chính thức
Mặc dù chương trình học chỉ kéo dài 1 năm, nhưng điều làm Quỳnh ấn tượng là sinh viên có tới 2 lần thực giảng ở những ngôi trường khác nhau; mỗi chuyến như thế thường kéo dài 7 tuần liên tiếp.
“Đó là những kinh nghiệm thực tế tuyệt vời để sinh viên học hỏi các phong cách giảng dạy và được đứng lớp như một giáo viên thực thụ”.
Trải nghiệm khiến Quỳnh hứng thú, tò mò về nền giáo dục ở New Zealand. Vì thế, sau khi hoàn thành chương trình học tại Trường ĐH Canterbury, Quỳnh quyết định đi tìm việc làm.
Như Quỳnh đang dạy lớp 3-4. Ảnh: NVCC |
Nhưng ở thành phố Christchurch, cơ hội đi dạy không dễ dàng. Mức độ cạnh tranh cao khiến Christchurch được biết tới là một trong những nơi khó xin việc nhất ở New Zealand.
“Khi một vị trí giảng dạy tại đây được đăng tuyển, ít nhất phải có hàng trăm đơn ứng tuyển được gửi đến. Trước đó, mình cũng từng nộp hồ sơ ứng tuyển vào rất nhiều trường, nhưng đều bị từ chối”.
Ban đầu chán nản, nhưng sau đó Quỳnh tự nhủ, “có thể trường thấy mình chưa phù hợp với triết lý giáo dục của họ chứ không hẳn là do mình không đủ kiến thức hay kỹ năng để giảng dạy”.
Từng nhận tới hơn 10 lời từ chối từ các ngôi trường khác nhau, cuối năm 2020, Quỳnh trúng tuyển vào dạy tại một trường tiểu học ở Christchurch.
“Quả thực, đây là một môi trường giáo dục tuyệt vời. Trường quan tâm đến những thế mạnh riêng biệt của từng học sinh, từ đó tạo động lực để học trò phát triển tốt nhất.
Giáo viên có thể tự phát triển giáo án riêng cho mỗi môn học, thậm chí là soạn giáo án riêng cho từng học sinh. Sự linh hoạt trong giảng dạy đã đảm bảo cơ hội tiếp cận tri thức rất công bằng và hiệu quả”, cô giáo 9X kể.
Bậc tiểu học ở New Zealand thường bắt đầu từ lớp 1 tới lớp 6, nhưng ở ngôi trường Quỳnh đang theo dạy, bậc tiểu học được tiếp tục cho tới lớp 8.
Trường gộp 2 khối vào học chung một lớp, ví dụ lớp 1 – 2 là level 1; lớp 3 – 4 là level 2; lớp 5 – 6 là level 3;… Như vậy, một em học sinh lớp 3 cũng có thể học trình độ toán của học sinh lớp 4 và ngược lại.
Học sinh có thể có nhiều trình độ khác nhau, nên lớp không được chia theo dãy như cách truyền thống mà bàn ghế được sắp xếp theo các góc nhỏ theo những hình dáng khác nhau, ngồi quay quanh cô giáo.
Luôn luôn có nhiều trình độ trong một lớp học, vì thế giáo viên có vai trò phân nhóm theo đúng năng lực của từng học sinh (thường phân thành 3 nhóm trình độ) và dạy theo những cách khác nhau.
Trong khi cô giáo đang kèm một nhóm học, cùng lúc đó, những học sinh ở 2 nhóm còn lại có thể ngồi ở một góc khác để tự đọc hoặc chơi những trò chơi toán học trên ipad.
Lớp học luôn có sẵn các dụng cụ như ipad, máy tính xách tay loại nhỏ để học sinh tham gia vào các hoạt động liên quan đến môn học khi được giáo viên cho phép.
Ở bậc tiểu học cũng có nhiều môn học khác nhau như Toán, tiếng Anh, Khoa học, Mỹ thuật,… nhưng mỗi kỳ đều có một chủ đề xuyên suốt những môn học ấy nhằm tạo sự tò mò, hứng thú ở học sinh.
“Ví dụ, trong học kỳ vừa qua, mình chọn cho học sinh khối lớp 3 – 4 chủ đề về thời trang và trường học trong quá khứ. Các em viết về thời trang hay trường học trong quá khứ bằng tiếng Anh, được tìm hiểu về lịch sử, vẽ hay làm các dự án xoay quanh hai chủ đề này. Vì thế, học trò cảm thấy vô cùng hứng thú”.
Quỳnh bên các đồng nghiệp ở New Zealand |
Đây không phải năm đầu tiên Quỳnh đi dạy. Năm ngoái, cô từng có cơ hội làm việc 1 năm tại Trường Lakeview ở vùng Masterton, là giáo viên khối lớp 5-6.
“Tại đây, giáo trình cũng có thể được điều chỉnh theo năng lực của từng trẻ, giúp trẻ học tốt vẫn có thể phát triển tiềm năng; học sinh tiếp thu chậm hơn cũng không cảm thấy tự ti hay bị bỏ lại.
Nhờ trải nghiệm ở hai môi trường này, mình nhận ra rằng, dù ở đâu, giáo dục cũng đều luôn hướng tới việc “cá nhân hoá”, không tạo ra những sản phẩm giáo dục “giống nhau y hệt”.
Kiến thức không phải ưu tiên hàng đầu ở bậc tiểu học
Việc dạy kiến thức, theo cô giáo 9X, không phải là ưu tiên hàng đầu ở độ tuổi tiểu học của New Zealand. Thay và đó, thầy cô sẽ tập trung giúp trẻ trau dồi, xây dựng nhân cách và biết đối xử với mọi người thật tốt.
Cụ thể, ở bậc tiểu học, giáo viên chủ yếu dạy các em giá trị đạo đức như sự trung thực, có trách nhiệm, yêu thương mọi người,…
Ngay trong các giờ học trên lớp, một học sinh lớp 4 cũng được khuyến khích giúp đỡ học sinh lớp 3 cùng tiến bộ.
“Đây cũng là cách để New Zealand dạy trẻ tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè và tạo ra sự tự tin cho học sinh. Bạn dạy sẽ rất tự tin với khả năng của mình còn bạn được dạy sẽ cảm thấy dễ tiếp thu bài hơn so với việc học từ giáo viên”.
Ngoài ra, ở New Zealand không có hệ thống tính điểm. Giáo viên thường đưa ra những nhận xét ngay trên lớp và học sinh tiếp nhận trực tiếp.
Bài kiểm tra năng lực sẽ được tiến hành dưới dạng “1 – 1”, giáo viên và học sinh đối đáp trực tiếp dựa trên hệ thống câu hỏi đạt chuẩn sẵn có. Thông qua đó, giáo viên có thể đánh giá được năng lực của học sinh và đề ra những bước tiếp theo nhằm cải thiện khả năng của học trò.
Trong suốt 1 năm học như thế, học sinh chỉ tham gia 1 kỳ thi đánh giá theo chuẩn duy nhất. Điểm của bài kiểm tra này cũng chỉ có mình giáo viên biết để nắm được năng lực của từng em.
Không giao bài tập về nhà trong suốt thời gian cấp 1 cũng là một quy định bắt buộc tại Trường Beckenham Te Kura ō Pūroto nơi Quỳnh làm việc. Sức khỏe tinh thần của học sinh là điều được coi trọng, nên các em có thể học nhiều thứ khác nhau, không nhất thiết phải học từ sách vở.
Khi về nhà, các em có thể làm những thứ mình thích như học đàn, chơi một môn thể thao hay nấu ăn. Vì thế, trẻ em New Zealand thường rất năng động và đều biết ít nhất một môn năng khiếu nào đó.
“Điều mình thấy ấn tượng là phụ huynh tại đây rất tin tưởng vào thầy cô và nhà trường. Khi còn dạy ở Masterton, có phụ huynh còn tới… xin lỗi cô giáo chỉ vì những trò nghịch ngợm của con em mình.
Đến khi biết tin mình sẽ không còn dạy ở đó nữa, một số phụ huynh đã cầm tay mình và nói rằng, các con của họ sẽ nhớ cô giáo rất nhiều”, Như Quỳnh nhớ lại.
Thúy Nga
Cô giáo Việt là người châu Á duy nhất dạy sư phạm tiếng Anh ở Nam Úc
Trong buổi phỏng vấn cho vị trí giảng viên tại trường ĐH Úc, khi được hỏi: “Tại sao chúng tôi nên lựa chọn bạn”, TS Tuyết Mai thẳng thắn trả lời: “Vì ngoài kinh nghiệm, tôi còn có sự đồng cảm với sinh viên”.