Đại diện Bộ GD-ĐT cho hay, trong trường hợp bất khả kháng mà học sinh không thể đến trường vì Covid-19, thì việc tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ II của năm học này có thể được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Liên quan đến kế hoạch năm học 2020-2021 trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT):
– Trước diễn biến bùng phát phức tạp của dịch Covid-19, hiện, nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên đã thông báo cho học sinh tạm dừng đến trường đến khi có thông báo mới. Bộ GD-ĐT có tính đến chuyện điều chỉnh kế hoạch năm học 2020-2021 không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Theo khung kế hoạch thì đến ngày 31/5 mới kết thúc thời gian năm học, như vậy hiện quỹ thời gian vẫn còn gần 1 tháng. Do đó, chưa cần điều chỉnh thời gian kết thúc năm học.
Trường hợp một số tỉnh tạm dừng cho học sinh đến trường để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 thì địa phương sẽ căn cứ và áp dụng Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Qua đó, chủ động thực hiện dạy học trực tuyến cho học sinh, đảm bảo hoàn thành chương trình và kết thúc thời gian năm học theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT.
Hiện, các địa phương cũng đã chủ động kích hoạt việc dạy học trực tuyến này.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng |
Từ kinh nghiệm của những lần tổ chức dạy học trực tuyến ứng phó với dịch Covid- 19 trước đây; lần này, cả giáo viên và học sinh đã được chuẩn bị tâm thế, năng lực, học liệu… nên việc chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến rất thuận lợi, không gặp nhiều khó khăn.
Với những sự chuẩn bị đó, có thể khẳng định việc hoàn thành chương trình năm học sẽ đúng theo khung kế hoạch thời gian năm học đã được Bộ GD-ĐT ban hành là trước ngày 31/5.
– Khi không thể đến trường, các trường không thể tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ II như thường lệ. Việc này có thể tổ chức như thế nào để đảm bảo đúng tiến độ năm học, thưa ông?
Theo quy định như thường lệ, học sinh sẽ được kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ GD-ĐT.
Song trong trường hợp này, các trường mà vẫn còn quỹ thời gian, thì có thể điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, đánh giá định kỳ, khi thời gian này học sinh đang tạm nghỉ đến trường vì Covid-19; để khi học sinh có điều kiện quay trở lại trường thì có thể thực hiện bài kiểm tra. Tức là có thể điều chỉnh lịch kiểm tra muộn để đảm bảo việc phòng chống dịch Covid-19.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Còn xa hơn, trong trường hợp bất khả kháng mà học sinh không thể đến trường, thì hiệu trưởng nhà trường có thể quyết định tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến. Khi tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ trực tuyến, nhà trường phải có biện pháp để đảm bảo tính chính xác, công bằng, trung thực, khách quan. Bài kiểm tra phải đúng do học sinh thực hiện, đánh giá được đúng năng lực của học sinh.
Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT, có quy định rõ các hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ như thực hiện bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; bài thực hành; dự án học tập. Tùy điều kiện của các nhà trường đối với từng môn học mà Hiệu trưởng quyết định áp dụng hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ nào phù hợp, đảm bảo khách quan, trung thực.
Nếu kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến, thì đề thi phải thiết kế phù hợp để đánh giá đúng năng lực học sinh, có biện pháp theo dõi quá trình làm bài của các em. Đối với việc kiểm tra đánh giá bằng bài thực hành, dự án học tập, học sinh phải tự trình bày báo cáo qua hình thức trực tuyến để giáo viên có thể phỏng vấn qua mạng nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh.
– Trong trường hợp bất khả kháng, các trường có thể kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến. Liệu có cách gì để đảm bảo kết quả khi kiểm tra, đánh giá qua kênh này được công bằng, minh bạch?
Các trường cần phải chủ động đề ra phương án linh hoạt theo điều kiện của mình để giám sát quá trình kiểm tra trực tuyến, đảm bảo việc đánh giá đó là khách quan, chính xác, đúng năng lực học sinh.
Như vậy, khi các trường quyết định kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến thì phải đảm bảo đề thi đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, phù hợp với hình thức kiểm tra trực tuyến. Cùng đó phải có giải pháp để theo dõi được quá trình làm bài của học sinh, để thực sự đánh giá đúng năng lực của các em.
– Bộ GD-ĐT có tính tới việc lùi thời gian tổ chức thi tốt nghiệp THPT hay các kỳ thi chuyển cấp của các địa phương không, thưa ông?
Trong thời gian học sinh không đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, việc học tại các địa phương không bị gián đoạn, các hoạt động dạy học trực tuyến vẫn được duy trì, do đó thời gian kết thúc năm học chưa cần điều chỉnh. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Đối với các kỳ thi chuyển cấp như thi vào lớp 10, việc quy định về hình thức thi, địa điểm, thời gian thi,… sẽ do các địa phương chủ động kế hoạch, điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương. Việc này được quy định rõ trong Thông tư 11.
Hiện còn gần 1 tháng nữa là sẽ kết thúc năm học 2020-2021, hy vọng rằng dịch Covid-19 sẽ được khống chế để các kỳ thi diễn ra theo đúng kế hoạch và đảm bảo an toàn.
Thanh Hùng
Tám tỉnh, thành cho nghỉ học phòng chống dịch Covid-19
Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, Hà Nội, Vĩnh Phúc và nhiều địa phương khác đã cho học sinh nghỉ học sau thời gian nghỉ lễ 30/4; 1/5.