Trong các đề thi Ngữ văn nổi bật thời gian qua, những câu hỏi thu hút sự chú ý nhất thường không rơi vào các tác phẩm đã học trong chương trình mà ngữ liệu chủ yếu lấy từ bên ngoài.
Các tác phẩm kinh điển của Việt Nam đang bị thất thế?
Trong một lần đến thăm một trường tiểu học ở Mỹ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã thấy những đứa trẻ lớp 4 thực hiện “đề bài” là viết diễn văn chào mừng ngày quốc khánh.
“Các em tự viết diễn văn, tự nói về dân tộc… Giáo viên chỉ là những người quan sát, hỗ trợ và gợi ý. Và trong tâm hồn trong sáng, công bằng, không vụ lợi và đầy trí tưởng tượng về dân tộc của chúng, người lớn chúng ta sẽ có cơ hội nhìn thấy dân tộc họ trong một hình ảnh mới đầy sức sống và sáng tạo”.
Cách ra đề văn mở như thời gian gần đây, theo ông Thiều, chỉ có ở Việt Nam là còn mới mẻ. “Quan sát những việc như thế này, tôi từng tự đặt câu hỏi nếu những điều đó là chân lý, vậy tại sao chúng ta không làm? Trong khi đó, chúng ta đang biến những đứa trẻ trở thành những robot thực thi các “lệnh” của chúng ta?”.
Những đề thi Ngữ văn vào lớp 10 đang có sự thay đổi khá mạnh mẽ trong thời gian gần đây |
Do đó, nhà thơ bày tỏ sự tán đồng với những đề thi yêu cầu học sinh tư duy tổng hợp. “Để các em vận dụng những gì mình đã học cộng với những trải nghiệm trong cuộc sống, dù non trẻ, mà làm bài, để thể hiện thái độ của mình trước những vấn đề của cuộc sống”.
Thế nhưng, một điều khiến Chủ tịch Hội Nhà văn còn băn khoăn đó là sự xuất hiện khá lấn át trong đề thi của ngữ liệu nước ngoài hay từ những người “lạ” trên văn đàn Việt Nam.
“Ở đâu thì cũng có những tác phẩm rất tốt, để giúp cho đứa trẻ và cho cuộc đời, nhưng tốt hơn cả là cứ lấy trong văn hóa Việt” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
“Trong nền văn hóa Việt có rất nhiều tác giả, tác phẩm từ cổ chí kim, từ già đến trẻ, về văn hóa, thiên nhiên, thái độ, lẽ sống, đối nhân xử thế… đủ ngữ liệu để cho giáo viên từng bậc học trích đưa vào đề thi” – ông khẳng định.
“Còn việc ngữ liệu đề thi được lấy từ câu nói một người trẻ hiện đang nổi, được giới trẻ mến mộ có tác dụng khác. Tuy nhiên, những suy nghĩ, chiêm nghiệm của các bạn đó lại gây ra băn khoăn, tại sao mới ngần đấy tuổi lại suy nghĩ như vậy, suy nghĩ của họ liệu có đúng… Còn nếu đó là chiêm nghiệm của những bậc trí giả thì những kinh nghiệm của họ tạo được sự tin cậy hơn” – ông phân tích thêm.
Ở góc độ là người trực tiếp giảng dạy, lý giải về việc câu nghị luận xã hội trong nhiều đề thi của các tỉnh thường tạo sự quan tâm rất lớn từ dư luận, thầy giáo Hồ Tấn Nguyên Minh – Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) – nhận định do phần này thường hướng đến các vấn đề thời sự và đạo lý, như việc cha mẹ ép con thích những điều cha mẹ muốn, sự kỳ vọng của cha mẹ với con cái…
Thế nhưng, thầy Minh cho rằng không nên cứng nhắc về ngữ liệu ở các câu hỏi này.
“Không nên câu nệ văn học Việt Nam hay văn học nước ngoài, vấn đề thời sự hay vấn đề đạo lý, chúng ta cần linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo trong ra đề, có thể ra bất kì đâu miễn vấn đề đặt ra hợp lý, giàu ý nghĩa là được”.
Điều cần tránh, theo thầy giáo dạy chuyên Văn, là thói quen chạy theo thị hiếu đám đông, chạy theo phong trào để tạo nên những đề văn sống sượng, phản cảm.
Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Mia, Trường THCS Cát Linh (Hà Nội) cũng nhận xét trong đề thi, các tác phẩm hàn lâm của Việt Nam vẫn được sử dụng ở phần nhiều điểm. Còn phần mở rộng, vẫn có nhiều tỉnh thành lấy ngữ liệu từ văn bản hàn lâm của Việt Nam, một số tỉnh thành lấy ngữ liệu bên ngoài chứ không phải tất cả. “Việc lấy ngữ liệu ngoài cũng rất tốt vì sẽ làm phong phú hơn nguồn ngữ liệu, có những ngữ liệu mới mẻ, thời sự, gần gũi”.
Cách học thay đổi cách thi
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thùy Mia, xu hướng ra đề thi mở như hiện nay là đón đầu bộ sách giáo khoa mới sẽ được áp dụng từ năm học 2021-2022 này.
“Bộ sách sẽ hướng tới phát triển năng lực và phẩm chất của người học, thay vì tập trung vào mục tiêu kiến thức như SGK cũ. Học để phát triển năng lực và phẩm chất, thì tất yếu thi cử cũng phải thể hiện được năng lực và phẩm chất của học sinh. Và “form” đề thi vào lớp 10 vài năm gần đây đáp ứng được mục đích này, khi phát triển năng lực đọc hiểu, năng lực phân tích vấn đề, năng lực ngôn ngữ cũng như góp phần bồi dưỡng phẩm chất cho học sinh” – giáo viên Ngữ văn này nhận định.
“Cuộc sống luôn vận động nên việc dạy và học các bộ môn nói chung, môn ngữ văn nói riêng cũng không năm ngoài guồng quay biến đổi ấy. Thay đổi ở chương trình SGK, thay đổi về đề kiểm tra, đề thi sẽ kéo theo sự thay đổi về phương pháp dạy và học” – cô Mia phân tích thêm.
“Cách giảng dạy truyền thống có rất nhiều ưu điểm vì truyền tải được lượng lớn kiến thức, nhưng cần kết hợp với phương pháp mới, hiện đại để vừa đảm bảo kiến thức khoa học, vừa bắt nhịp được yêu cầu thời đại, giúp học sinh phát triển toàn diện”.
Học sinh sẽ phải quan sát cuộc sống nhiều hơn, chịu khó đọc sách và nắm sự kiện thời sự hơn… |
Khi đó, cô Mia khẳng định giáo viên sẽ phải tìm tòi các ngữ liệu ngoài sách, từ nhiều nguồn như internet, sách báo… và ngữ liệu phải phù hợp với trình độ nhận thức, tâm lí lứa tuổi của học sinh. Điều này yêu cầu mỗi giáo viên phải năng động hơn, chịu khó học hỏi, nắm bắt tâm lí sư phạm nhạy bén hơn… để hướng dẫn và kích thích sự hào hứng của học sinh khi ôn tập. Và chính học sinh phải quan sát cuộc sống nhiều hơn, chịu khó đọc sách và nắm sự kiện thời sự hơn, mạnh dạn trình bày và hoàn thiện kĩ năng trình bày quan điểm cá nhân hơn…
Trong khi đó, đưa ra sự so sánh để đào tạo một cử nhân, kỹ sư chỉ mất từ 3-5 năm, nhưng để dạy một người cách đối nhân xử thế có khi mất cả đời, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh đối với việc dạy văn, mục đích cơ bản là để học sinh tiếp cận vẻ đẹp ngôn ngữ và vẻ đẹp tâm hồn cũng như lòng nhân ái chứa đựng trong ngôn ngữ đó.
“Tôi đã từng nói đừng biến học sinh thành những chiếc USB, đến lớp là cắm vào “ổ cứng” giáo viên, thu nhận đúng những gì giáo viên truyền dạy. Và dù học thế nào, dạy thế nào thì điều giáo viên luôn cần ghi nhớ là những buổi học văn vô cảm sẽ không mang lại bất cứ điều gì cho các em học sinh”.
Phương Chi
Bất ngờ và ‘giá như’ với đề thi chuyên Văn vào lớp 10 của Hà Nội
Đề thi môn Ngữ văn chuyên của Sở GD-ĐT Hà Nội năm nay nhận được phản hồi khá tốt từ những giáo viên dạy văn và đặt ra cho những người quan tâm nhiều suy nghĩ.
Cần đánh giá công bằng với đề thi Ngữ văn ‘nếu em ở trong nước sôi’
Trong khi kì thi tuyển sinh vào lớp 10 đang diễn ra ở nhiều tỉnh/thành trong cả nước, đề thi môn Ngữ văn của Khánh Hòa nhận được sự chú ý ở cả đề thi chung và đề thi vào lớp chuyên.
Những đề thi Ngữ văn gây tiếng vang trong mùa thi lớp 10
Trong mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm nay của các tỉnh thành trên cả nước, sự xuất hiện của những đề thi môn Ngữ văn gây tiếng vang trở nên dồn dập hơn chứ không còn thưa thớt như những năm trước.