Thắt chặt hơn nữa hợp tác Việt – Lào trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Bày tỏ vui mừng được tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam, ngài Sẻng-phết Hùng-bun-nhuông, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời chúc mừng Đảng nhân dân cách mạng Lào đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Qua qua ngài Đại sứ, Bộ trưởng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ Lào nhiệm kỳ 2021-2025.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam, ngài Sẻng-phết Hùng-bun-nhuông
Bộ trưởng cho biết, giáo dục và đào tạo Việt Nam đang ở trong giai đoạn đổi mới mạnh mẽ từ phổ thông đến đại học. Trong đó có tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo; tăng cường cơ sở vật chất, cũng như chuyển đổi số trong giáo dục; đẩy mạnh tự chủ đại học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI của Đảng nhân dân cách mạng Lào đặc biệt nhấn mạnh vai trò của phát triển nguồn nhân lực. Theo Bộ trưởng, đây là điểm tương đồng giữa Việt Nam và Lào. Sự hợp tác giữa Bộ Giáo dục – Thể thao Lào với Bộ GDĐT Việt Nam cũng góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hai nước.
Khẳng định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo giữa Việt Nam và Lào đang tiến triển tốt đẹp, Bộ trưởng thông tin, tháng 12/2020, Bộ Giáo dục – Thể thao Lào, Bộ GDĐT Việt Nam đã ký kết 3 văn bản quan trọng. Đó là: Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam – Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030; Thỏa thuận kế hoạch triển khai Đề án đưa nội dung các sản phẩm công trình lịch sử quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam vào giảng dạy tại các trường học của hai nước; Kế hoạch hợp tác giáo dục năm 2021 giữa hai Bộ Giáo dục Việt Nam – Lào.
Tin tưởng sự hợp tác giữa Bộ GDĐT Việt Nam, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào sẽ có bước phát triển hơn nữa trong thời gian tới, ngài Sẻng-phết Hùng-bun-nhuông đồng thời bày cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của Việt Nam với Lào trong đào tạo nguồn nhân lực. Việc lưu học sinh Lào tại Việt Nam được tăng các suất học bổng, được chăm lo chu đáo… là một trong những biểu hiện cụ thể của sự giúp đỡ này.
Tại buổi tiếp, qua chia sẻ, trao đổi, hai bên đều thể hiện nỗ lực cùng phối hợp chặt chẽ để hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Lào ngày càng chất lượng, hiệu quả; góp phần củng cố, vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào.
Đề xuất nhiều nội dung tăng cường hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
Phát biểu tại cuộc tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Yamada Takio, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản ngày càng tốt đẹp và không ngừng phát triển. Qua ngài Đại sứ, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Nhật Bản về những hỗ trợ hiệu quả cho giáo dục Việt Nam, trong đó mới đây nhất, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua ngân sách 2.608 triệu Yên Nhật cho Dự án học bổng phát triển nguồn nhân lực JDS cho giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Yamada Takio
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Đại sứ Yamada Takio đã có những trao đổi liên quan đến dự án Trường Đại học Việt Nhật; hoạt động giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam và các hoạt động giao lưu, dự án hợp tác giáo dục. Hai bên đồng thời có những đề xuất hỗ trợ để triển khai tốt những nội dung trên.
Được biết, tính đến cuối tháng 6/2019 đã có khoảng 370.000 người Việt Nam cư trú tại Nhật Bản, trong đó bao gồm khoảng 80.000 du học sinh. Số lượng lưu học sinh đang học tại các trường dạy tiếng Nhật chiếm gần 50%.
Số lượng lưu học sinh học trung cấp và nghề chiếm khoảng 35% và số lưu học sinh theo học tại các trường từ trình độ cao đẳng trở lên chiếm trên 20%. Biên bản ghi nhớ giữa Bộ GDĐT Việt Nam và phía Nhật Bản về du học sinh Việt Nam đã ký kết ngày 8/1/2018, tại Tokyo.
Về giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam, tiếng Nhật bắt đầu được đưa vào giảng dạy ở THCS từ 2003. Công tác giảng dạy tiếng Nhật ở tiểu học đã qua 3 năm thí điểm và chính thức chuyển sang giai đoạn phổ cập từ tháng 9/2019 căn cứ nhu cầu của người học, phụ huynh và cần bảo đảm tính liên thông khi chuyển lên cấp THCS. Hiện tiếng Nhật được chính thức giảng dạy ở 2 trường tiểu học ở Hà Nội.
Cầu nối hợp tác bền vững Việt Nam – Singapore
Vui mừng được tiếp đón Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam, ngài Jaya Ratnam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời gửi lời cám ơn tới Chính phủ Singapore đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong thời gian Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và cùng hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua thời điểm Covid-19 khó khăn, trong đó có việc quyên góp hỗ trợ vật tư y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam, ngài Jaya Ratnam
Chia sẻ về quá trình chuyển đổi của nền giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, giáo dục Việt Nam hiện đang tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng như như chuyển đổi số trong giáo dục, tăng cường đội ngũ giáo viên, triển khai đầu tư cho hệ thống hạ tầng phục vụ cho giáo dục và đào tạo… Những bài học từ thành công trong cải cách giáo dục của Singapore, theo Bộ trưởng, là kinh nghiệm quý cho giáo dục Việt Nam trong quá trình đổi mới.
Nhắc lại quá trình hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong giáo dục và đào tạo thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của Singapore trong bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Anh và dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh; chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về sử dụng công nghệ trong dạy và học; tạo điều kiện để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của Việt Nam được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý giáo dục, quản trị đại học, nâng cao trình độ chuyên môn
Về phía Bộ GDĐT Việt Nam, Bộ trưởng cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Singapore trong các hoạt động hợp tác đa phương trong khuôn khổ ASEAN, SEAMEO và ủng hộ Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á nhiệm kỳ 2021-2023.
Ghi nhận các ý kiến trao đổi, mong muốn của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam, ngài Jaya Ratnam cho biết sẽ chuyển các thông tin tới Bộ Giáo dục Singapore để triển khai các nội dung hợp tác, bởi đây đều là những hợp tác quan trọng, phía Singapore rất quan tâm.
Về quan điểm hợp tác trong giáo dục và đào tạo với Việt Nam, Đại sứ Jaya Ratnam cho hay, Singapore rất muốn tăng số lượng sinh viên Việt Nam tới Singapore học tập; đồng thời cam kết sẽ chăm sóc thật tốt cho học sinh Việt Nam. Ngoài ra, phía Singapore cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều sinh viên Singapore sang Việt Nam học tập, thực tập nâng cao năng lực và xây dựng năng lực.
Theo ngài Đại sứ, sự hợp tác tăng cường hiểu biết của sinh viên hai nước chính là nguồn đầu tư cho tương lai của hai bên, là cầu nối hợp tác của hai quốc gia không chỉ cho hôm nay mà cả mai sau.