Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình; Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành, Phó Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT; đại diện các Sở GDĐT và đông đảo học sinh, giáo viên hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi.
Các em học sinh nhận giải Nhất cuộc thi
Báo cáo tổng kết cuộc thi, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GDĐT Thừa Thiên Huế cho biết, các đề tài dự thi năm nay khá phong phú, tập trung vào 11 nhóm lĩnh vực. Trong đó, nhóm lĩnh vực Hệ thống nhúng có số lượng đề tài nhiều nhất là 28. Tiếp đó là nhóm lĩnh vực Khoa học xã hội – Hành vi với 16 đề tài. Nhóm lĩnh vực Sinh học trên máy tính và Sinh tin, phần mềm hệ thống có 13 đề tài.
Các nhóm lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí; Rô bốt và máy tính thông minh, Toán học; Năng lượng, Vật lý, Khoa học vật liệu, Vật lý và thiên văn; Khoa học động vật, y sinh và khoa học sức khoẻ, y học mỗi nhóm có 12 đề tài. Rất nhiều dự án dự thi năm nay liên quan đến những vấn đề mà xã hội đặc biệt quan tâm như môi trường, sức khỏe, bảo vệ động thực vật…
Sau quá trình “cầm cân nảy mực” chấm giải với tinh thần trách nhiệm – công tâm – khách quan của Ban giám khảo là các nhà khoa học, giáo sư đầu ngành từ 3 miền đất nước, cuộc thi đã chọn ra 91 dự án đạt giải (chiếm 64,5% tổng số dự án dự thi). Trong đó, 12 dự án đạt giải Nhất, 19 dự án đạt giải Nhì, 26 giải Ba và 34 giải Tư.
12 dự án đạt giải Nhất trải đều ở 11 nhóm lĩnh vực. Trong đó nhóm lĩnh vực Hệ thống nhúng có 2 giải Nhất thuộc về dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của học sinh trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình và dự án “Cảnh báo sớm các rủi ro trong môi trường nuôi tôm bằng trí tuệ nhân tạo” của học sinh trường THPT Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh.
Phần lớn dự án đoạt giải Nhất có tác giả là học sinh cấp THPT. Riêng dự án “Kích thích tư duy Toán học thông qua hệ thống bài tập hình học và trò chơi được thiết kế bằng phần mềm Scratch” thuộc lĩnh vực Toán học là của học sinh cấp THCS – trường THCS Nguyễn Tri Phương, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Gây ấn tượng khác trong danh sách đạt giải Nhất là dự án “Khó khăn tâm lý trong học tập trực tuyến của học sinh THPT trước yêu cầu đổi mới hình thức dạy học” của học sinh trường THPT chuyên Lào Cai, tỉnh Lào Cai, thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi. Các học sinh đã nắm bắt vấn đề “thời sự” của học đường và tìm cách giải quyết để phù hợp với xu hướng giáo dục của thời đại 4.0.
Các dự án đạt giải Nhất, trong ngày 27/3 đã tham gia trình bày tóm tắt dự án và trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh để lựa chọn ra 7 dự án đại diện của Việt Nam dự thi Khoa học kỹ thuật quốc tế theo hình thức trực tuyến trong thời gian tới.
Thay mặt Ban chỉ đạo cuộc thi, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT cho các học sinh đạt giải Nhất; đồng thời phát động cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2021-2022.
Đây là năm thứ 9 cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật và vận dụng kiến thức của môn học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống. Hoạt động này góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực – phẩm chất của học sinh; thực hiện giáo dục tích hợp khoa học – công nghệ – kĩ thuật – toán.
Cuộc thi khuyến khích sự tham gia hỗ trợ của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp… đối với hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật của học sinh phổ thông. Đây đồng thời là cách chuẩn bị cho học sinh tác phong khoa học, năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp sau khi học xong cấp trung học; góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh.
12 Dự án đạt giải Nhất 1. Lĩnh vực Y sinh và khoa học sức khoẻ, dự án “Vi tảo biển – nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng cho ấu trùng ngao dầu” của học sinh hai trường THPT Việt Đức và THPT Chu Văn An, TP Hà Nội. 2. Lĩnh vực Kỹ thuật Y sinh, dự án “Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ” của học sinh đến từ trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM. 3. Lĩnh vực Hoá học, dự án “Nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ và hoạt hoá eNOS trên tế bào ECV304 từ một số bài làm thuốc thuộc chi Polygonum L. định hướng phòng và điều trị xơ vỡ động mạch” của học sinh trường THPT Ngô Quyền và THPT Nguyễn Trãi, TP Hải Phòng. 4. Lĩnh vực Phần mềm hệ thống; dự án “Thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát và quản lý học sinh trong trường học” của học sinh trường Tiểu học-THCS và THPT Victory, tỉnh Đăk Lăk. 5. Lĩnh vực Hoá sinh, dự án “Cải tiến peptit polybia-mpl để ứng dụng trong điều trị ung thư” của học sinh trường THPT chuyên Lam Sơn và THPT Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hoá. 6. Lĩnh vực Khoa học Vật liệu, dự án “Nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc trong Alginate chứa nano oxit sắt từ” của học sinh trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, ĐH Sư Phạm Hà Nội. 7. Lĩnh vực Kỹ thuật môi trường, dự án “Nghiên cứu, định danh loài sinh vật trung gian và trực tiếp gây viêm, hoại tử vết thương trên da người ở vùng nông thôn huyện Mỏ Cày Bắc tỉnh Bến Tre và định hướng giải pháp trong phòng trị hiệu quả cho người dân” của học sinh trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre. 8. Lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí, dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần” của học sinh trường THPT Hàn Thuyên, tỉnh Bắc Ninh. 9. Lĩnh vực Hệ thống nhúng, dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của học sinh trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình. 10. Lĩnh vực Hệ thống nhúng, dự án “Cảnh báo sớm các rủi ro trong môi trường nuôi tôm bằng trí tuệ nhân tạo” của học sinh trường THPT Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh. 11. Lĩnh vực Toán học, dự án “Kích thích tư duy Toán học thông qua hệ thống bài tập hình học và trò chơi được thiết kế bằng phần mềm Scratch” của học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương, tỉnh Thừa Thiên Huế. 12. Lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi, đề tài “Khó khăn tâm lý trong học tập trực tuyến của học sinh THPT trước yêu cầu đổi mới hình thức dạy học” của học sinh trường THPT chuyên Lào Cai, tỉnh Lào Cai. |